Cho phép thí điểm nhập khẩu dược liệu trở lại là cần thiết
Dược liệu là mặt hàng truyền thống, chủ lực nhập khẩu (NK) qua cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm gần 30 năm qua (từ những năm 90 của thế kỷ trước). Xuất phát từ tính truyền thống NK, cùng với định hướng phát triển của cửa khẩu, Nhà nước và doanh nghiệp, Việt Nam – Trung Quốc đã đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi để phục vụ xuất nhập khẩu (XNK) mặt hàng này.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2017 khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực, quy định thuốc, nguyên liệu làm thuốc không được NK qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm, chỉ được NK qua các cửa khẩu quốc tế.
Từ thời điểm đó tới nay, doanh nghiệp Việt Nam phải làm thủ tục NK dược liệu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đồng nghĩa với chi phí vận chuyển của doanh nghiệp Trung Quốc từ cửa khẩu Ái Điểm sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng.
Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà trong việc làm thủ tục NK mặt hàng này tại địa bàn Lạng Sơn mà chuyển làm thủ tục qua địa bàn khác như Cao Bằng, Quảng Ninh..., thậm chí làm thủ tục NK qua đường biển.
Trong khi đó, công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng tại Lạng Sơn đối với mặt hàng này cũng trở nên căng thẳng hơn. Nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu dược liệu số lượng lên tới hàng trăm tấn được phanh phui cho thấy, tình trạng buôn lậu mặt hàng này đã gia tăng.
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, cuối tháng 9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP về việc thực hiện Đề án thí điểm NK dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn. Như vậy, sau một thời gian dài gián đoạn, việc Chính phủ cho phép thí điểm NK dược liệu trở lại qua cửa khẩu Chi Ma là một tín hiệu vui đối với Lạng Sơn cũng như cộng đồng doanh nghiệp XNK.
Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, việc Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm NK mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma sẽ giúp kim ngạch hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao.
Ngoài ra, việc cho phép NK dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma là tiền đề quan trọng để trao đổi, đàm phán với Trung Quốc để một số mặt hàng nông sản, thủy, hải sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, từ đó khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng của cặp cửa khẩu song phương này.
Đặc biệt, việc phía Việt Nam cho phép NK dược liệu sẽ mở ra hướng xuất khẩu mặt hàng dược liệu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Chủ động, sẵn sàng thực hiện thí điểm
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 111, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động các phương án về cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật để đảm bảo hoạt động NK mặt hàng này được diễn ra thông suốt, an toàn và đúng quy định.
Tính đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng: đường giao thông, điện nước, nhà làm việc của lực lượng quản lý chuyên ngành… với tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 320 tỷ đồng.
Khu vực cửa khẩu có 7 bến bãi đã được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK và 4 kho ngoại quan, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu trữ, bảo quản đối với mặt hàng dược liệu NK.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế Lạng Sơn đã đáp ứng đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị máy móc đảm bảo công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng các mẫu nguyên liệu thuốc bắc qua cửa khẩu.
Cục Hải quan Lạng Sơn đang gấp rút xây dựng phần mềm quản lý về tiêu chuẩn chất lượng của các loại dược liệu được phép NK cũng như dự thảo Quy trình NK dược liệu và gửi xin ý kiến các cơ quan, lực lượng tham gia đóng góp ý kiến đối với nội dung dự thảo.
Theo Quy trình này, các cơ quan ban ngành và các lực lượng chức năng sẽ thiết lập cơ chế phối hợp nhằm bảo đảm kiểm soát chất lượng dược liệu NK; chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, đảm bảo tối đa điều kiện phòng chống dịch bệnh khi thực hiện NK dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động NK dược liệu, các lái xe vận chuyển hàng dược liệu qua cửa khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, địa điểm tại cửa khẩu Chi Ma; Sở Y tế Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước đối với cửa khẩu Chi Ma là đối tượng thực thi triển khai Quy trình này.
Để triển khai có hiệu quả việc thí điểm, dự thảo Quy trình đang được xây dựng làm 5 bước. Cụ thể gồm: Kiểm soát phương tiện nhập cảnh tại cổng tiếp giáp biên giới; giám sát phương tiện vận tải hàng hóa tại kho, bãi, địa điểm; thực hiện đăng ký kiểm dịch, kiểm nghiệm; kiểm tra, giám sát lấy mẫu gửi và xử lý kết quả kiểm dịch, kiểm nghiệm.
Trong đó, để đảm bảo kiểm soát chất lượng mặt hàng dược liệu NK và theo quy định của Nghị quyết 111, cơ quan kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn phối hợp với cơ quan hải quan và doanh nghiệp NK dược liệu thực hiện lấy mẫu, đảm bảo 100% hàng hóa dược liệu NK được lấy mẫu, kiểm nghiệm xác định tên hàng, chất lượng trong vòng 6 tháng của năm đầu thực hiện. Sau 6 tháng thực hiện thí điểm NK dược liệu, tùy theo tình hình thực tế có thể điều chỉnh số lượng mẫu kiểm nghiệm trong thời gian tiếp theo cho phù hợp.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam