Bộ Công Thương: Sẽ xây dựng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc?

23/03/2022 9:45 (GMT+7)
(KD&BM) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sắp tới sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Trong đó tập trung xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” ở cửa khẩu biên giới và đề án riêng cho thị trường Trung Quốc.

Do Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, từ đó áp dụng các biện pháp mạnh để đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sau tết Nhâm Dần đến nay dẫn đến việc thông quan hàng hóa ở các khẩu vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ùn tắc.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, thì lượng xe tồn mỗi ngày vẫn còn rất lớn, phần lớn là xe chở nổng sản. Đơn cử như Lạng Sơn, Quảng Ninh lượng xe tồn lưu mỗi ngày trên cả nghìn chiếc.

Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến ngày 15/3 nhưng hàng ngày các xe chở hàng lên tỉnh này vẫn tấp nập đổ về bằng nhiều hình thức khác nhau. Dự kiến từ 15/3 – 20/4 lượng hàng hóa nông sản, hoa quả đi qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2 nghìn xe mỗi ngày.

Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc 

Với vai trò là đơn vị chủ chốt, trưởng ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chia sẻ một số nội dung với PV TC Kinh Doanh và Biên Mậu xung quanh vấn đề này.

Áp dụng đồng bộ các giải pháp trong đó đẩy mạnh xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh”

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu được nhận định chủ yếu do phía Trung Quốc kiên trì chính sách “zero covid” từ đó áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh chưa từng có, ngoài ra năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng gặp nhiều hạn chế do công nhân bốc xếp về quê đón tết và một số đang bị cách ly sau tết.

Bên cạnh đó các tỉnh biên giới phía Bắc chưa thống nhất được về các biện pháp phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó Bộ Công Thương cho biết Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y Tế khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa đảm bảo an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Bộ cũng ban hành các hướng dẫn cho địa phương các tỉnh liên quan nhanh chóng thực hiện xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” như bố trí tập kết các phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để triển khai khử khuẩn đối với hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này.

Với các phương án trên lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là những bước tiến nhằm cải thiện đáng kể tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu.

Triển khai xây dựng đề án cho thị trường Trung Quốc

Với phương châm “an toàn để xuất khẩu”, “xuất khẩu phải an toàn” Bộ Công Thương đề nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Bên cạnh đó các địa phương biên giới cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó. Ngoài ra các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…). Đối với lãnh đạo địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc cần tiếp tục tăng cường các biện pháp chống dịch hiệu quả tại các cửa khẩu để hai bên yên tâm trong việc giao thương hàng hóa. Các sở ban ngành địa phương cần chủ động trong việc điều tiết sản lượng xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế nhằm giảm tải cho cửa khẩu biên giới các tỉnh.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249; Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với khách hàng”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Còn đối với biện pháp giải quyết ùn tắc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch Bộ đã có đề xuất với các tỉnh biên giới xây dựng các khu trung chuyển đa năng, sơ chế, đóng gói hàng hóa, giải quyết các thủ tục Hải quan chủ động hơn đáp ứng tình hình hiện tại tiến đến xây dựng đề án riêng đối với thị trường Trung Quốc.

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sắp tới bộ sẽ chủ trì họp với các bên liên quan để xây dựng phương án chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc, từ đó tổ chức sản xuất, tổ chức giao thương hàng hóa, củng cố các liên quan sản xuất xuất khẩu… nhằm nâng cao hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.”

 

Hiếu Lam Giang

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.