Bộ Công Thương: Hàng hóa dồi dào, nhưng sức mua vẫn còn yếu

20/04/2022 18:10 (GMT+7)
Theo báo cáo ba tháng đầu năm 2022 mới đây của Bộ Công Thương cho biết tình hình thị trường trong nước đang dần phục hồi ổn định và có nhiều tín hiệu tích cực kể từ sau đại dịch. Tuy nhiên người dân vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, và có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” do giá cả tăng cao đối với nhiều loại hàng hóa.

Quý I/2022 hoạt động thương mại dịch vụ tăng 1,6% so với cùng kỳ

Theo Bộ Công Thương hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).

Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).

Hoạt động thương mại dịch vụ tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 3/2022

Nhìn chung, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4-11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm (từ 3,6 - 4,9%). Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, khôi phục hoàn toàn  hoạt động các chợ truyền thống, đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Trung tuần tháng 3/2022 giá cả một số mặt hàng có chiều hướng tăng do ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển, giá cả xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Trước biến động về giá cả xăng dầu do ảnh hưởng bởi tình hình thế giới, để duy trì được nguồn cung xăng dầu cho thị trường Bộ Công Thương cho biết đã tổ chức cuộc họp trực tiếp và trực tuyến do Bộ trưởng chủ trì với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa. Và đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngay sau đó về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 nhằm bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ngoài ra Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu;

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch) để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Đối với việc điều hành giá xăng dầu ngoài việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài Chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 -1.500 đồng/lít (tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Tạo điều kiện hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Triển khai các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng và khắc phục các khó khăn

Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phải đối mặt với những khó khăn như: Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

Giá cả thị trường vẫn còn nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao
Giá cả thị trường vẫn còn nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao

Trước tình hình đó Bộ Công Thương đã có những giải pháp cụ thể để đối phó với những khó khăn nêu trên như: Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó bám sát và thúc đẩy tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành các dự án trọng điểm , có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường. Thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung các hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân, tạo tâm lý ổn định cho người dân và thị trường.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 của Bộ Công Thương để có sự điều hành phù hợp. Mặt khác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết./.

Lam Giang 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.