Cảnh báo tình trạng kinh doanh, mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng ở học sinh.

05/10/2023 14:42 (GMT+7)
Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh. Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này.

Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh.

Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6% . Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 có 3,5%

Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.

Thuốc lá điện tử (ENDs): là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị.

Thuốc lá nung nóng (HTPs): là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.

Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện”.

Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường.

Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Trước những nguy hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị giáo dục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình - nhà trường - xã hội; phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc giáo dục, định hướng, đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường. Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực hiện nghiêm Điều 11, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định.

Hình thức xử phạt đối với hành vi mua bán thuốc lá điện tử

Xử phạt hành chính:

Kinh doanh thuốc lá điện tử thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hành vi mua bán thuốc lá điện tử không đáp ứng điều kiện theo quy định là hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh quy định tại Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và sẽ bị xử phạt hành chính từ  từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được quy định tại Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP khi:

- Không có giấy phép kinh doanh;

- Có giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hiệu lực;

- Không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh;

- Sử dụng giấy phép kinh doanh của chủ thể khác kinh doanh.

Ngoài ra, cá nhân/pháp nhân buôn bán thuốc lá nhập lậu sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm với mức phạt lên đến 100.000.000 đồng và có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá, tùy theo các hành vi khác nhau như không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi,… sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tương ứng tùy vào hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 23 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Xử lý hình sự:

Người có hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng cấm" theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Nếu pháp nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; pháp nhân vi phạm có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Nông Dũng

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.