Cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá
Thứ nhất, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới; thúc đẩy việc đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Theo đó, hai bên cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối hai nước, giữa các tỉnh có chung đường biên giới, các huyện, địa phương trực tiếp; liên kết với hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).
Việc phát triển giao thông vận tải qua kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch, các địa phương có EWEC chạy qua sẽ giúp tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế ở phía Bắc và phía Nam như: Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; là “cơ hội vàng” để các tỉnh dọc biên giới hai nước nhận được những tác động tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kéo theo làn sóng đầu tư vào các địa phương…
Thứ hai, hai nước cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Thoả thuận Hà Nội 2007 cho phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian tới.
Theo Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào năm 2020, hai bên đã thống nhất phối hợp nghiên cứu đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào trong thời gian tới cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy định của mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng hai nước trong quá trình thực hiện.
Do đó, hai bên cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh hiệp định thương mại phù hợp, theo hướng tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là các hoạt động hợp tác thương mại biên giới phù hợp với mối quan hệ đặc biệt và thông lệ quốc tế.
Thứ ba, hai bên cũng cần rà soát và đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Cụ thể, hai nước tập trung khắc phục những rào cản, khó khăn; nâng cao khả năng cạnh tranh về thương mại, đầu tư và du lịch; đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới; tiếp tục đổi mới chính sách quản lý xuất, nhập khẩu, đơn giản hóa các chính sách quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu, hài hòa thủ tục hải quan theo chuẩn mực quốc tế. Xây dựng lộ trình cụ thể, thông qua các bản ghi nhớ, kế hoạch hợp tác hàng năm và từng giai đoạn, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn” như về tiềm lực đầu tư, nguồn vốn ngân sách; huy động nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng biên giới…
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng của Việt Nam. (Ảnh UB BGQG)
Những mặt hàng nông sản mũi nhọn
Thứ tư, hai bên tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, đặc biệt là hàng nông - lâm sản. Thực tiễn cho thấy, công nghiệp chế biến nông - lâm sản là lĩnh vực sản xuất có nhiều tiềm năng phát triển tốt nhất ở Lào và đây cũng là ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế của sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp ở nước bạn.
Hai bên cần đẩy mạnh phối hợp việc nghiên cứu và triển khai phát triển các trang trại hoặc khu vực trồng trọt và chăn nuôi hiện đại, tập trung để cung cấp đầu vào ổn định cho các xí nghiệp chế biến nông - lâm sản. Sản phẩm cuối cùng một phần có thể được tiêu thụ ngay tại Lào và phần lớn hơn sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam hoặc các nước thứ ba.
Thêm nữa, hai nước tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan… tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của hai nước lưu thông. Theo đó, xây dựng kế hoạch phát triển thương mại biên giới từng thời kỳ phù hợp với định hướng phát triển chung và phù hợp với các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh…
Thứ năm, Lào và Việt Nam cần tăng cường phối hợp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể là tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý và cho các doanh nghiệp của hai nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động thương mại và thương mại biên giới trên địa bàn, bao gồm cả cán bộ quản lý trong cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý tại doanh nghiệp và nhân viên trong các doanh nghiệp.
Thứ sáu, Lào và Việt Nam cũng cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước. Hai bên cần phối hợp đồng bộ nhằm tăng nhanh quy mô trao đổi thương mại Việt Nam - Lào theo hướng tăng cường đầu tư, xây dựng mới và mở rộng các siêu thị liên doanh hiện có, nhất là ở các vùng đông dân cư dọc theo biên giới hai nước; vừa đẩy mạnh trao đổi thương mại chính thức, vừa khuyến khích tư nhân hai bên buôn bán với nhau; nhanh chóng thiết lập các kênh chủ lực nhằm đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam sang Lào và ngược lại, nhất là tới các khu vực có nhiều hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc để người tiêu dùng hai nước làm quen dần với hàng hóa và dịch vụ của nhau...
Thứ bảy, hai nước cũng cần tiếp tục phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa hai nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, quy định thủ tục hành chính thống nhất tại cửa khẩu; phát huy hết trách nhiệm của lực lượng chức năng trong công tác phối hợp phòng chống buôn lậu qua biên giới, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển./.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh