Ngành Hải quan: Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số

25/10/2022 19:45 (GMT+7)
Quan điểm phát triển của ngành Hải quan trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 là: Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển Hải quan trong thời kỳ mới. Đồng thời, xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số.

3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025

Trong những năm gần đây, ngành Hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan đã có những phát triển vượt bậc, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Ứng dụng CNTT đã có những đóng góp quan trọng trong quản lý hải quan và phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trước xu thế quốc tế, tính tất yếu trong chu trình hiện đại hóa và thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022. Trong đó, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số và đặt ra 3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan.

6 giải pháp trọng tâm

Để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch và triển khai thành công các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết sẽ triển khai đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm.

Trong đó, đầu tiên là xây dựng mô hình Hải quan thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mô hình phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Căn cứ mô hình Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan, trong đó rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở kết quả tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan thực hiện ứng dụng CNTT, số hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai hệ thống CNTT mới và chủ động nghiên cứu các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng bài toán nghiệp vụ Hải quan cụ thể như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trên cơ sở tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và ứng dụng CNTT, Tổng cục Hải quan thực hiện sắp xếp, huy động nguồn lực trong toàn ngành để tổ chức, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT Hải quan phục vụ đắc lực trong công tác triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, trong đó ban hành các văn bản quy định chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan liên quan đến rất nhiều bên như: doanh nghiệp xuất nhập khẩu; doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp vận tải, logistics, đại lý hải quan; các ngân hàng thương mại và các bộ, ngành. Do đó, để đảm bảo thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan thành công thì một mình cơ quan Hải quan thực hiện là không đủ mà còn cần sự phối hợp triển khai chặt chẽ, đồng bộ của tất cả các bên liên quan.

PV tổng hợp

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hoạt động Hiệp Hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.