Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ logistics
Logistics là ngành dịch vụ được ví như những mạch máu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động vào bậc nhất thế giới, nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%), xuất, nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.
Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc. Với đặc trưng có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, cùng với hệ thống cảng nước sâu, kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), Quảng Ninh có nhiều thuận lợi trong phát triển dịch vụ logistics. “Lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn rất tiềm năng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng khẳng định.
Đánh giá thực trạng phát triển logistics tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ngành logistics của Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nêu rõ hơn về những hạn chế của Quảng Ninh trong phát triển logistics hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không nhưng cảng biển hiện chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng quy mô lớn
Từ thực tế doanh nghiệp (DN), ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Quảng Ninh là kết nối giao thông sau cảng bởi khoảng cách từ các cảng của địa phương này đi các tỉnh phía Bắc dài hơn so với việc xuất phát từ Hải Phòng, điều này dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng. Ngoài ra, hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít tại khu vực tỉnh Quảng Ninh. Đơn cử như ở Cảng Container quốc tế Cái Lân-vốn là cảng được đầu tư để đón hàng container-nhưng sản lượng thông quan vẫn chủ yếu là hàng rời (dăm gỗ, viên nén gỗ, vôi bịch, quặng...). Hơn nữa, các bến cảng tại khu vực Quảng Ninh do nhiều nhà đầu tư vận hành khai thác dẫn đến tình trạng khó quản lý, cạnh tranh gay gắt.
Đóng góp với Quảng Ninh để thúc đẩy sự phát triển cảng biển, ông Lê Quang Trung cho rằng, Quảng Ninh phải giải quyết được bài toán chi phí và nguồn hàng, vốn là hai vấn đề cốt lõi của bất cứ địa phương nào có cảng biển. Thực tế, hiện ở Việt Nam, việc giá dịch vụ bốc dỡ container bị ghìm ở mức giá sàn, chậm được cải thiện không chỉ đến từ cơ chế hiện hành mà còn từ sự mất đoàn kết, từ việc cạnh tranh không lành mạnh của chính DN cảng biển. Hậu quả là, giá dịch vụ bốc dỡ container xuất, nhập khẩu đang áp dụng tại Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực, chỉ bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 46% Singapore. Với mức giá bốc xếp thấp, các cảng biển ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng khó có mức lãi cao, để từ đó có vốn tái đầu tư, mở rộng cảng bến, mua sắm thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất. Điều đáng nói là, trong khi giá bốc xếp bị duy trì ở mức sàn, thì giá THC (giá dịch vụ mà hãng tàu nước ngoài thu của khách hàng xuất, nhập khẩu để chi trả chi phí tại cảng, trong đó giá bốc dỡ container chiếm phần lớn) lại liên tục gia tăng. Điều này khiến phần lớn lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ tại cảng biển rơi vào tay các chủ tàu ngoại.
Vấn đề thứ 2 là nguồn hàng. Bất cứ cảng biển nào muốn hoạt động tốt thì đều cần phải có nguồn hàng dồi dào. Do đó, tỉnh cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, giúp chủ động tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng. Đặc biệt, Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch với Trung Quốc, nhất là hàng nông sản, do đó, Quảng Ninh cần tập trung đầu tư về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản hàng hóa.
Để thúc đẩy ngành logistics của tỉnh phát triển, ông Bùi Văn Khắng cho hay, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển; quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các DN uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ DN phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế... Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quảng Ninh cần ưu tiên bố trí ngân sách để làm vốn mồi thu hút các tập đoàn, DN có uy tín, năng lực đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn.
Theo Báo Quân đội nhân dân