Phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ hoạt động XNK

01/12/2021 16:20 (GMT+7)
Tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển Logistics TPHCM” do Hiệp hội Logistics TPHCM tổ chức (HLA) ngày 30/11/2021, lãnh đạo TPHCM cho rằng, phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ hoạt động XNK.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tăng

Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, tổng kim ngạch XNK hàng hóa thực hiện qua các cảng TPHCM khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó trị giá hàng hóa làm thủ tục qua Cục Hải quan TP HCM đạt hơn 600 tỷ USD, thu về cho NSNN gần 550.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với giai đoạn 2011-2015.

Hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics

Riêng năm 2021, mặc dù bị tác động rất lớn bởi đại dịch nhưng sức phục hồi hoạt động XNK của Thành phố rất lớn. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tính đến 15/11/2021 Cục Hải quan thực hiện ước đạt 116 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu không tính tác động của đại dịch, dự kiến đến năm 2025, tổng kim ngạch XNK hàng hoá thông qua Thành phố dự kiến đạt khoảng 165 tỷ USD (xuất khẩu đạt 80 tỷ USD, nhập khẩu đạt 85 tỷ USD). Thu NSNN của Cục Hải quan TPHCM có thể đạt 130.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Với tốc độ phát triển trên, nhưng chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại Thành phố chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hoá. Hạ tầng giao thông chưa đạt quy hoạch tổng thể của Chính phủ khiến cho dịch vụ logistics chưa thể phát triển đúng tiềm năng.

Tỷ trọng đóng góp của hoạt động logistics vào GRDP chưa cao

Đánh giá về vai trò của ngành logistics TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, tỷ trọng đóng góp của hoạt động logistics vào GRDP của Thành phố khoảng 8,9% GRDP trên địa bàn TPHCM, nhưng đầu tư cho ngành logistics chưa nhiều, chủ yếu là tự phát của DN, chưa có sự vào cuộc tổng thể của các sở, ban, ngành. Thiếu nhiều hệ thống kho, chủ yếu là kho lạnh, chi phí logistics đang ở mức cao, chiếm 19% GDP.

“Để đáp ứng tốc độ phát triển hàng hóa trên địa bàn TPHCM, mục tiêu phát triển logistics của TPHCM với tốc độ gia tăng khoảng 15%; tỷ lệ đóng góp đến năm 2025 là 12% GRDP, kéo giảm chi phí logistics xuống còn 10-15% GDP. TPHCM sẽ đầu tư hình thành 8 trung tâm logistics chuyên nghiệp, có tính liên kết để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin.

TPHCM ban hành nhiều chương trình tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics

Với vai trò quản lý hải quan, để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics thành ngành tỷ USD, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng cho biết, Cục Hải quan TPHCM ban hành nhiều chương trình tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics, đại lý hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong và sau Covid-19. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công cấp 3, 4 của Thành phố đạt trên 80%.

“Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, Cục Hải quan TPHCM thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan triển khai đề án hải quan thông minh, đổi mới kiểm tra chuyên ngành góp phần tạo sức bật mạnh cho hoạt động logistics”,Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng khẳng định.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HLA cho rằng, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp logistics đã thực hiện tốt vai trò của mình, như: hỗ trợ các doanh nghiệp XNK, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng...

Bà Phương cho rằng, với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của vùng Đông Nam Bộ, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tại TPHCM. Đến nay, sau gần 2 tháng kể từ ngày TPHCM mở cửa trở lại, các doanh nghiệp logistics TPHCM đã và đang tích cực thích nghi với điều kiện mới để phục hồi kinh tế, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức, Chính vì vậy, ngành logistics cần là nhóm ngành được ưu tiên trong gói kích cầu để hỗ trợ các ngành nghề khác.

Mặc dù còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp nhạy bén sẽ nắm bắt ngay những cơ hội mới để phát triển, góp phần nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.

“Với sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo Thành phố, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sẽ tận dụng những cơ hội của thị trường trong giai đoạn hậu Covid -19 để đổi mới, thích ứng và phát triển, góp phần thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics”- bà Đặng Thị Minh Phương nhấn mạnh.

Nhâm Hồng/TH

 

Có thể bạn quan tâm: Hoạt động Logistics XNK Ngành logistics
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.