Nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính bằng chất lượng

28/06/2021 11:15 (GMT+7)
Tỷ trọng hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất sang EU ngày càng tăng là những dấu hiệu khẳng định nông sản Việt có thể chủ động chinh phục được những thị trường khó tính bằng chất lượng.
Hội nghị xúc tiến đưa vải thiều sang Châu Âu

Chinh phục bằng chất lượng

Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của EU ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Ngoài các loại trái cây đã được xuất khẩu nhiều năm, trong tháng 6/2021, EU cũng nhập quả vải tươi của Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt mới tại thị trường này. Cùng với lô vải thiều đầu tiên vào Czech và Pháp, các loại trái cây khác như thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… cũng đang được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các quốc gia trong khối EU. Việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm, mở ra cơ hội cho quả vải đến với thị trường mới.

Ngoài ra, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 390 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế hồi phục mạnh mẽ.

Xuất khẩu cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ thì Đức và Ý là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%. EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt hơn 173 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Nhật Bản cũng là thị trường khó tính nhưng nông sản Việt đã dần chinh phục

Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon trên đất Nhật Bản được tổ chức từ ngày 25/06 đang diễn ra rất sôi động, thu hút hơn 100 doanh nghiệp Việt, giới thiệu quảng bá hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản trên hệ thống 350 siêu thị của Aeon. Qua nhiều kỳ tổ chức, đây là sự tiếp nối thành công của việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Nhật Bản và phân phối tại hệ thống bán lẻ của Aeon.

Cụ thể, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon đạt gần 250 triệu USD, năm 2018 đạt 330 triệu USD, năm 2019 đạt 370 triệu USD và năm 2020 đạt 450 triệu USD. Dự kiến tới năm 2025 sẽ đạt 1 tỷ USD.

Nhật Bản luôn là một trong những thị trường mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam, gần đây nhất, có thể kể tới Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản 2021; Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021. Các sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp hai quốc gia.

Vượt rào cản, giữ vững thị trường

Cả EU và Nhật Bản là thị trường có rất nhiều quy định về các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là với nông sản, thực phẩm. Ông Makoto Nakamura – Chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho hay: Trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng thực phẩm, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề chất lượng, an toàn cho sức khoẻ, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng.

Do vậy, quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản đều phải qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi thông quan. Tiếp đến, kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn là điều kiện cần thiết để hàng hoá Việt Nam được tiếp nhận tại Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng khuyến cáo: Nhật Bản là thị trường nổi tiếng khó tính. Do vậy, không chỉ nông sản mà hàng hoá nói chung của Việt Nam cần có sự liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, đồng thời đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mới có thể giữ vững thương hiệu, ổn định thị phần xuất khẩu.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân cho rằng, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này. Cùng với đó, các nước EU có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.

Còn theo chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn, việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng xuất khẩu. Như vậy, ý thức tự giác tuân thủ quy định của DN trong nước còn hạn chế cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.

Chỉ ra điểm thuận lợi đối với nông dân và DN tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay, các viện nghiên cứu của Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu những giải pháp, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến.

Trong đó, nhiều công nghệ bảo quản Việt Nam đã tự sản xuất được góp phần giảm chi phí nên không chỉ các DN, chủ trang trại mà ngay cả những hộ nông dân vẫn có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong thu hoạch và bảo quản nông sản. Theo đó, thời gian bảo quản của nhiều mặt hàng trái cây tươi đã tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, nhiều loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam đã xuất khẩu thuận lợi vào thị trường EU bằng đường biển nên giảm chi phí rất nhiều so với giai đoạn trước đó chủ yếu xuất khẩu bằng đường hàng không.

Theo Chất lượng Việt Nam 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.