Nhiều ngành hàng xuất khẩu “hưởng lợi” dù làn sóng dịch mới gia tăng

07/05/2021 14:00 (GMT+7)
Cuối năm 2020 - vào thời điểm dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, nhiều chuyên gia nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành địa điểm lý tưởng để đón làn sóng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu và đầu tư. Tới nay dấu hiệu đó ngày càng một rõ ràng hơn khi nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng xuất khẩu đang đón nhận lượng đơn hàng tăng mạnh.

Đơn hàng xuất khẩu gia tăng

Theo Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn. Đặc biệt, từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu, các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam sau đại dịch.

Đơn cử với ngành dệt may, kể từ đầu năm 2021 ngành này đón nhận ngày càng nhiều đơn hàng từ các đối tác trên thế giới. Tính đến hết quý I/2021, giá trị xuất khẩu dệt may đạt 7,1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất ngành dệt may tính chung 3 tháng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất trang phục tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 0,1%).

Nhiều doanh nghiệp đang đón dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường

 

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, trong những tháng đầu năm nay các nước cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Myanmar gặp nhiều biến động nên khả năng sản xuất và xuất khẩu sụt giảm. Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang bị dịch bệnh hoành hành, dẫn đến quá trình dịch chuyển đơn hàng diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với dự đoán.

Hiện tại TNHH MTV Thời trang Myone là một trong số những công ty đang “hưởng lợi” từ làn sóng dịch chuyển này. Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc công ty này chia sẻ, thời gian qua một đơn vị trong top đầu về việc phân phối mặt hàng thời trang tại thị trường Ý đã đến Myone tìm hiểu về quy trình sản xuất, xem mẫu mã sản phẩm… Hiện tại đôi bên đang xúc tiến việc hợp tác với nhau, hứa hẹn trong thời gian tới họ sẽ đặt những lô hàng lớn để Myone sản xuất. “Sở dĩ có được đối tác này là do sự biến động chính trị tại Myanmar, hoạt động sản xuất tại đây gần như đóng băng, và những đối tác của họ dần chuyển đơn hàng sang nước khác và Việt Nam là nơi họ lựa chọn”- ông Tâm cho biết thêm.

Không riêng dệt may, quá trình dịch chuyển cũng đang diễn ra rất rõ nét đối với ngành da giày. Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giày Gia Định - cho hay, doanh nghiệp này đã nhận được nhiều đơn hàng hơn so với cùng thời điểm năm 2020, trong đó có những đối tác mới. Yếu tố chính góp phần vào quá trình dịch chuyển đơn hàng nhanh hơn là do tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bên cạnh đó những nước như Banglades, Campuchia, Myanmar… những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam đang phải đau đầu chống dịch.

Tương tự với ngành chế biến gỗ, nhiều tập đoàn, công ty lớn đã lên kế hoạch di chuyển nơi sản xuất khi đóng cửa tại Trung Quốc. Từ năm 2019, nhiều đơn vị lớn đã lên kế hoạch di chuyển sản xuất, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP XNK Hàng Việt - cho biết, đến hiện tại, số lượng đơn hàng mà công ty nhận được tăng khoảng 30% so với năm trước và số đơn hàng này đủ để công ty sản xuất cho đến hết quý III/2021. Sở dĩ việc dịch chuyển đơn hành diễn ra nhanh hơn là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, cùng với đó là việc nhiều nước cạnh tranh với Việt Nam vẫn đang đối phó với dịch bệnh.

Giải bài toán phụ trợ để đón cơ hội

Dù làn sóng đơn hàng chuyển dịch đang tăng mạnh song nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng họ chỉ có thể đáp ứng với mức tăng khoảng 30-40% như hiện tại. Nếu tăng thêm doanh nghiệp khó huy động lực lượng sản xuất kịp bởi ngoài vấn đề tăng công suất, lực lượng lao động thì việc đáp ứng về phụ trợ, nguyên phụ liệu sản xuất là vấn đề khá đau đầu với doanh nghiệp.

Chẳng hạn với lĩnh vực dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp nhận loạt đơn hàng dịch chuyển từ những thị trường có bất ổn về chính trị, thương mại nhưng bản thân các doanh nghiệp lại gặp khó khi tuyển dụng lao động. Đó là chưa kể, hiện hàng loạt nhãn hàng, nhà nhập khẩu đang đòi hỏi chúng ta phải tìm ra được giải pháp khắc phục nguồn cung ngay tại nội địa hoặc ở nội khối của các nước có cam kết FTA với Việt Nam.

Chính vì thế VITAS đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước ngoài đầu tư vào chuỗi cung nguyên liệu Việt Nam. Tuy nhiên để mời gọi thành công, VITAS mong muốn Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh.

Với da giày, Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) thừa nhận, dù từ đầu năm 2021 đến nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của ngành này có khởi sắc hơn song các doanh nghiệp lại đang gặp vướng mắc trong vấn đề nguồn cung nguyên liệu do phụ thuộc tới 60% vào hàng nhập khẩu. Từ đó, LEFASO đề xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày là vấn đề cấp thiết và chúng ta cần xây dựng một trung tâm tập trung nguyên phụ liệu cho da giày. Để làm được, doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ về tài chính. Cụ thể là ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế.

Báo Công Thương

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.