Nhập siêu: Mừng hơn lo!

11/06/2021 8:50 (GMT+7)
Gần nửa tỷ USD nhập siêu trong 5 tháng đầu năm một cách đột ngột sau khi nước ta thâm hụt lớn trong tháng 5 làm dấy lên một số ý kiến quan ngại, bởi nước ta liên tục xuất siêu lớn nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, phân tích từ số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan có thể thấy việc nhập siêu chưa hẳn không tốt, mà ngược lại trong thời điểm này lại cho thấy nhiều điểm tích cực.

 

Hoạt động xuất nhập khẩu cùng duy trì mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: T.Bình.

Yếu tố làm thâm hụt

Tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại cả 5 tháng đầu năm đảo chiều với con số thâm hụt gần 500 triệu USD, theo số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,13 tỷ USD và nhập khẩu đạt 28,23 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 131,13 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ 2020 và nhập khẩu là 131,6 tỷ USD, tăng 36,7%.

Như vậy, trong bối cảnh xuất khẩu tăng cao mà Việt Nam vẫn nhập siêu là bởi kim ngạch nhập khẩu còn tăng trưởng mạnh hơn. Điều này xuất phát từ hàng loạt nhóm hàng nhập khẩu chủ lực với quy mô kim ngạch cả tỷ USD đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Trước tiên là 2 nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,83 tỷ USD, tăng 26,5%; máy móc thiết bị đạt 18,9 tỷ USD, tăng 37,8%. Đáng chú ý, 2 nhóm hàng trên tăng trưởng rất cao trong khi cùng kỳ 2020 con số tăng thêm thấp hơn nhiều chỉ 9,8% với nhóm hàng máy vi tính, hay thậm chí tăng trưởng âm 7,3% với nhóm hàng máy móc.

Vì vậy, 5 tháng đầu năm 2021, riêng kim ngạch tăng thêm của 2 nhóm hàng trên đã lên đến khoảng 11 tỷ USD.

Ngoài ra, còn hàng loạt nhóm hàng chủ lực với kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên có mức tăng trưởng rất cao.

Có thể kể đến như: vải may mặc gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%; chất dẻo nguyên liệu 5,1 tỷ USD tăng 51,9%; sắt thép 4,64 tỷ USD tăng 378%; hóa chất hơn 3 tỷ USD tăng 56,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,75 tỷ USD tăng 30,6%; hạt điều hơn 2,2 tỷ USD tăng 281,1%; ô tô nguyên chiếc hơn 1,5 tỷ USD tăng 83,1%...

 

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình.

 

Hiệu ứng tích cực

Tính chung các nhóm hàng chủ lực nêu trên đã có kim ngạch tăng thêm hàng chục tỷ USD và đây là điều đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.

Bởi nhìn vào cơ cấu có thể thấy, các nhóm hàng tăng mạnh nhất liên quan đến nguyên phụ liệu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử; vải và nguyên phụ liệu dệt may; hóa chất, chất dẻo nguyên liệu… và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, lượng hàng hóa nhập khẩu lớn đến từ các doanh nghiệp FDI. Ngoài những nhà máy hoạt động lâu năm ở Việt Nam, những tháng đầu năm có thêm nhiều dự án mới đổ vào nước ta theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng do tình hình dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước…

Đơn cử như tại Hải Phòng, một điểm sáng về thu hút đầu tư và xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm số vốn FDI đổ vào địa phương này đạt hơn 1 tỷ USD, tăng tới 180% so với cùng kỳ 2020. Kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị tăng cao và cũng tạo thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Chỉ riêng Chi cục Hải quan KCX và KCN (Cục Hải quan Hải Phòng) đã quản lý 5 KCN và KCX trên địa bàn gồm: Tràng Duệ, Nomura, VSIP, Nam Cầu Kiền và An Dương với khoảng 200 doanh nghiệp làm thủ tục thường xuyên, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới 13,65 tỷ USD, tăng tới gần 4 tỷ USD so với cùng kỳ 2020. Chi cục trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, tỷ trọng lớn nhất là nhóm hàng điện tử, hàng hóa công nghệ cao và máy móc thiết bị nhập khẩu…

Như vậy, có thể thấy, đang trong bối cảnh khôi phục sản xuất, xuất khẩu mạnh mẽ và thu hút FDI tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu tăng cao là dễ hiểu. Mặt khác khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát có thể tạo thêm xung lực tăng trưởng nhập khẩu trong tháng 5 khi doanh nghiệp có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu để phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài.

Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị tăng cao sẽ góp phần quan trọng tạo thêm nhiều hàng hóa xuất khẩu, nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Ngoài yếu tố nêu trên, một điểm nữa có tác động không nhỏ đến việc tăng trưởng mạnh của nhập khẩu là giá cả tăng thêm của nhiều mặt hàng chủ lực. Có thể kể đến như, sắt thép dù chỉ tăng 8,3% về lượng nhưng tăng đến 37,8% về kim ngạch nên con số tăng thêm cũng lên đến hơn 1 tỷ USD. Hay như mặt hàng hạt điều tăng đến chóng mặt hàng trăm phần trăm; ô tô nhập khẩu cũng tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch…

Với con số nhập siêu chỉ chưa đầy 500 triệu USD, cùng với nền kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu và đang đạt tốc độ tăng trưởng cao, cùng với quy luật tăng mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, hoàn toàn có thể tin tưởng việc nhập siêu chỉ là nhất thời (như vẫn thường diễn ra) và nhịp điệu xuất siêu (một cách ổn định) của nước ta sẽ sớm trở lại.

Ngoài yếu tố tích cực đối với hoạt động sản xuất, kim ngạch nhập khẩu tăng cao cũng giúp tăng thu ngân sách đáng kể.

Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 5 số thu toàn Ngành đạt 158.693 tỷ đồng, bằng 50,38% dự toán được giao, bằng 47,94% chỉ tiêu phấn đấu được giao, tăng 27,65% (tương đương 34.375 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó nhiều nhóm hàng nhập khẩu có con số tăng thu hàng nghìn tỷ đồng như sắt thép và kim loại thường tăng thu 4.200 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng thu khoảng 6.200 tỷ đồng; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng thu 6.000 tỷ đồng; nhóm chất dẻo và nguyên phụ liệu tăng thu 3.000 tỷ đồng…

Thái Bình

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.