Kỳ 1: Mở rộng cánh cửa xuất nhập khẩu: Cơ hội đi kèm với thách thức mới

02/04/2022 22:40 (GMT+7)
(KD&BM) - Thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, song đi kèm với những cơ hội chưa từng có cũng là những thách thức mang tính phức tạp. Khi sự am hiểu và trang bị về pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu còn tồn tại nhiều hạn chế thì các rủi ro vây quanh doanh nghiệp Việt càng lớn.

Xuất nhập khẩu ngày càng khởi sắc

Cùng với việc ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs), cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài ngày càng rộng mở đối với hàng hóa của Việt Nam, khi các hiệp định chính thức có hiệu lực. Chỉ tính riêng trong khu vực thị trường châu Á – châu Phi, theo tính toán dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 444 tỷ USD, tăng 22,38% so với năm 2020, đóng góp 67,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Ảnh minh họa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 91,09 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 245,22 tỷ USD, tăng 20,9%, chiếm 72,9%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,03 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,21 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 53,9 tỷ USD, tăng 52,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,5 tỷ USD, tăng 140%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các năm

Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, xuất siêu hàng hóa của nước ta đạt 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 6,46 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,57 tỷ USD và năm 2020 đạt 19,94 tỷ USD.

Năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục quán triệt, bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, của Chính phủ về việc đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung từ thị trường nhập khẩu. Trong đó, chủ trương tích cực khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực đã ký các hiệp định thương mại tự do như: ACFTA, VKFTA, VJEPA, RCEP, CPTPP, EVFTA, UKVFTA… Bước sang năm 2022, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Đi kèm với các vụ tranh chấp mà thiệt thòi thuộc về doanh nghiệp nội địa

Mặc dù xuất nhập khẩu tăng mạnh, song Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó Bộ này thừa nhận rằng, việc khai thực thi các cam kết hội nhập bước đầu đã có những đổi mới song vẫn còn hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao;

Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh… Do đó, một trong các giải pháp hàng đầu cần làm ngay đó là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. 

Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, thị trường liên tục phát sinh các vụ vi phạm hàng xuất khẩu, gặp trục trặc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng, hay thương hiệu hàng hóa bị xâm hại nghiêm trọng… tạo ra bất lợi cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới, từ đó gây ra nhiều tổn thất cho chính doanh nghiệp Việt, gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Gạo ST25 của Việt Nam bị người ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ

Minh chứng cụ thể cho vấn đề trên, không thể bỏ qua việc gạo ST25 của Việt Nam có nguy cơ bị mất thương hiệu do bị người ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, trong khi ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" bộ giống lúa gạo ST25 nổi tiếng “không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này”. Trước đó, vào năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam được tổ chức The Rice Trader trao giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Sau vụ việc, chúng ta mới thừa nhận, sản phẩm gạo ST25 là một bài học đắt giá trong việc xây dựng thương hiệu Quốc gia. 

Theo quy định pháp luật của Việt Nam, đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ở thị trường xuất khẩu là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN), nhưng cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và dẫn dắt DN. Trong vụ việc gạo ST25, vai trò của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong liên kết, tư vấn hỗ trợ cho DN xây dựng, bảo hộ thương hiệu Quốc gia hết sức mờ nhạt. Những gì đang diễn ra cho thấy, tầm nhìn của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT còn rất hạn hẹp khi chưa hình dung được đường đi của thương hiệu gạo ST25 trong tương lai gần lại có tầm ảnh hưởng và có uy tín với người tiêu dùng quốc tế lớn đến như vậy.

17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều gặp tình trạng trục trặc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa

Hay gần đây nhất là việc 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều thuộc Hiệp hội điều Việt Nam gặp tình trạng trục trặc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây là sơ suất của chính doanh nghiệp, không liên quan đến đơn vị môi giới bởi đơn vị môi giới không có trách nhiệm thanh toán cho đơn hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ bị lừa đảo này đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P) – một phương thức không an toàn cho doanh nghiệp xuất khẩu.  

Mới đây, Bộ Công Thương vừa cho biết, thời gian gần đây thương hiệu nông sản của Việt Nam đang bị đe dọa bởi liên tục có những vụ vi phạm của hàng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc do Lệnh 249 (biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) của cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, có nhiều quy định mới liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng tư cách xuất khẩu nếu không nắm rõ các quy định, và khi đã bị tạm dừng thì rất khó quay trở lại thị trường này…

Như vậy, rõ ràng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, song đi kèm với những cơ hội chưa từng có cũng là những thách thức ngày càng phức tạp. Khi sự am hiểu và trang bị về pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu còn tồn tại nhiều hạn chế thì các rủi ro vây quanh doanh nghiệp Việt càng lớn./.

Vũ Hà

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.