Cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu

14/11/2020 21:05 (GMT+7)
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo là tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Công chức Cục Hải quan Hải Phòng tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Ảnh: T.Bình

Trong công tác quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã đưa ra một số quy định nhằm tiếp tục tăng cường năng lực cho cơ quan Hải quan trong công tác quản lý, cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất; có chế độ ưu tiên về quản lý đối với doanh nghiệp có kết nối, trao đổi thông tin về tình hình nhập khẩu, xử dụng nguyên liệu, vật tư, đến khi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm với cơ quan Hải quan…

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh những bất cập trong thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất.

Cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ: qua thực tế thực hiện quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ phát sinh những bất cập như hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam nên hàng hóa được giao đến cho người nhập khẩu mà không thực hiện thủ tục hải quan hoặc chỉ thực hiện thủ tục hải quan tại một đầu. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về giao dịch như chuyển tiền qua biên giới, chuyển giá, trốn thuế. Đồng thời rà soát quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại thì: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Do vậy, việc hàng hóa không qua biên giới hoặc không vào khu phi thuế quan thì không phù hợp với Luật Thương mại, cũng như qua trao đổi về kinh nghiệm quốc tế thì không có thủ tục đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ như Việt Nam.

Về thông báo hợp đồng gia công, theo quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một trong các điều kiện được miễn thuế là doanh nghiệp có hợp đồng gia công (Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên khi rà soát nội dung quy định về thủ tục tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP chưa được quy định cụ thể về nội dung này.

Về việc khai sửa đổi, bổ sung các thông tin về cơ sở sản xuất, tại Điều 37 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định khi có sự thay đổi về nội dung đã thông báo cơ sở sản xuất với cơ quan Hải quan thì tổ chức cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan trước khi thực hiện. Do vậy trên thực tế các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn (như Samsung, Intel…) các nội dung về máy móc, lao động thường xuyên có sự thay đổi, vì vậy phát sinh bất cập phải thực hiện thường xuyên, liên tục thủ tục thông báo sửa đổi, bổ sung thông báo cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, qua rà soát của cơ quan Hải quan cũng như phản ánh của doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu còn phát sinh vướng mắc đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị trả lại. Thực tế thực hiện có phát sinh vướng mắc, bất cập đối với một số mặt hàng đặc thù như đóng tàu… có thời hạn tái chế kéo dài nhưng hiện tại quy định cho phép 275 ngày.

Từ những bất cập hiện nay, mục tiêu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP sẽ đảm bảo các vướng mắc bất cập nêu trên được giải quyết, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đều thực hiện được. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính, không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời các quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế và có hiệu lực, hiệu quả.

Chính vì vậy, hiện tại dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định như về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, kiến nghị bỏ quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định.

Hay về việc thông báo hợp đồng gia công, kiến nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định theo hướng: tổ chức cá nhân phải thông báo hợp đồng gia công trước khi nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, máy móc, thiết bị đầu tiên để thực hiện gia công, SXXK.

Đối với việc khai sửa đổi, bổ sung các thông tin về cơ sở sản xuất kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 37 Nghị định theo hướng: khi có thay đổi về cơ sở sản xuất trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan. Riêng thay đổi về thông tin địa điểm sản xuất, nơi lưu giữ phải báo cáo cơ quan Hải quan trước khi thực hiện...

Về thời gian bắt đầu thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, kiến nghị sửa Điều 39 Nghị định theo hướng chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra thì cơ quan Hải quan phải thực hiện hoạt động kiểm tra cơ sở sản xuất. Về hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị trả lại, dự kiến sửa đổi Điều 47 Nghị định quy định “Thời hạn để tái chế là 12 tháng và trường hợp đặc thù thì được quá 12 tháng”. Ngoài ra, tại dự thảo cũng bổ sung một Điều quy định về thủ tục công nhận điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất.

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.