Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm mạnh

06/05/2023 15:50 (GMT+7)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp thủy sản đang chịu áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ "lao dốc", giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.

4 tháng chỉ xuất khẩu được 2,6 tỷ USD

Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 4 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD; thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD; thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022

 

Cụ thể, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. “Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực… Tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho hay.

Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.

Ngoài ra, xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.

Cũng theo VASEP, trong số các mặt hàng hải sản xuất khẩu, có mực và một số loài cá biển khác (trừ cá ngừ) có chiều hướng tích cực hơn trong tháng 4. Theo đó, xuất khẩu các loài cá biển khác tăng 9%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 3%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 36%, các loài hải sản khác đều sụt giảm với tỷ lệ 2 con số.

Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này giảm được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.

Trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực

Theo Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, các doanh nghiệp thủy sản đang chịu áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.

Tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lãnh đạo VASEP cho rằng, các bộ, ngành cần triển khai nhanh chóng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản được nêu trong Thông báo kết luận ngày 1.5 vừa qua. Cụ thể là nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn nước thải cho ngành thủy sản; giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Sao Ta (FIMEX VN) cho biết các doanh nhân tôm đang tất bật chen chân các hội chợ thủy sản lớn trên thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, dù nhỏ nhất. Sách lược cạnh tranh không chỉ chăm lo giảm giá thành; còn phải tập trung đáp ứng đòi hỏi xu thế người tiêu dùng; còn nỗ lực tạo ra những mặt hàng mới ngon thơm hơn, phối chế tiện ích hơn… “Và hơn tất cả, về lâu dài, trông chờ vào tầm nhìn và chiến lược và trước mắt trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Chính phủ và cơ quan liên quan”, TS. Hồ Quốc Lực cho biết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp thủy sản đang rất trông đợi việc Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong tháng 5 phải nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản. Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam Nguyễn Nam Vinh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp thủy sản rất khó khăn trong tiếp cận vốn nên gói tín dụng 10.000 tỷ đồng là liều thuốc tốt và quý. Tuy nhiên, để hiệu quả, khi triển khai cần đúng và trúng, giảm bớt độ trễ, giảm thủ tục rườm rà giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường; tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu trong nước để giám giá thành, nâng cao sức cạnh tranh…

Tiến Dũng T/H

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.