Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược PTNTNT cho biết: Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản lớn trên thế giới, chủ lực là lúa gạo, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cao su… trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong sản xuất, dịch bệnh và các yếu tố chính trị thế khó lường. Mặc dù mức tiêu thụ nông sản trên đầu người tăng nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Do đó, thông tin về cảnh báo về thời tiết, chính sách xuất nhập khẩu và thông tin thị trường là vô cùng quan trọng. Với tư cách là cơ quan tham mưu của bộ NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã thực hiện và kết nối với nhiều cơ quan trong và ngoài nước để nghiên cứu và đưa ra những chiến lược về thị trường.
TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách PTNNNT phát biểu tại hội thảo
Ảnh: mard.gov.vn
Thực trạng hiện nay cho thấy xuất khẩu nông sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, tác động không nhỏ đến nền kinh tế của nông sản nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Mặc dù nông nghiệp là một trong những ngành chủ lực và có sự chống đỡ cao so với các ngành khác, nhưng nguồn cung ứng bị đứt gãy khiến khó khăn kéo dài và ảnh hưởng lớn tới các mô hình sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng, kéo theo việc thay đổi định hình các chuỗi cung ứng.
Theo số liệu thống kê đến tháng 9/2022, mức tăng trưởng xuất khẩu nông sản hầu hết của các nước đều tăng. Trong đó, thị trường EU tăng 24%, Nhật Bản tăng 29%, ASEAN tăng 30% so với 9 tháng năm 2021. Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Tại hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham gia đánh giá, góp ý tháo gỡ tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo nhận định chung với bối cảnh thế giới vừa trải qua giai đoạn dài dịch bệnh COVID -19 cùng với đó là cuộc chiến Nga – Ucraina khiến cho toàn cầu gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, khó khăn cũng mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam nếu kịp thời thay đổi, thích nghi với những chiến lược, chính sách phù hợp. Với Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức do các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU luôn có những quy định cao hơn về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng và quy trình kiểm soát chặt chẽ...thì cũng mở ra cơ hội lớn cho các loại nông sản, đặc biệt là trái cây, thủy sản.
Theo đó, trong bối cảnh giá năng lượng thế giới dự báo vẫn duy trì ở mức cao có thể làm tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực kéo theo thách thức cho đảm bảo an ninh lương thực và sụt giảm giá trị thặng dư nông sản, Việt Nam cần chú trọng đến các giải pháp để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản.
Các chuyên gia nông nghiệp cao cấp đầu ngành trong nước và quốc tế đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về thị trường nông sản của thế giới trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong bối cảnh biến động cung cầu liên quan đến tác động của đại dịch COVID – 19, tình hình lạm phát và cuộc chiến tranh Nga – Ucraina lên thị trường thế giới, thông qua những phân tích đã giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam có những phương hướng rõ nét, đối với cả thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, đặc biệt là giúp Việt Nam có thể nhìn thấy thế mạnh mình đang có để khai thác, mở rộng tốt hơn, bên cạnh đó cần nỗ lực phấn đấu để đảm bảo cho quá trình phát triển của nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao hơn cả trong nước và quốc tế./.
Minh Vũ (t/h)