Cuộc làm việc nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 2021 - 2023 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025; đồng thời xem xét, giải quyết một số kiến nghị để tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An; kiểm tra công tác thi công dự án đường vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Long An; thăm gia đình chính sách và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Long An, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Long An là một trong những địa phương "tâm dịch" của cả nước nhưng đã sớm kiểm soát tốt được dịch COVID-19, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân; các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi nhanh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đoàn kết, thống nhất; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 8,46%; riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43%. Quy mô kinh tế của tỉnh đến năm 2022 đạt 156 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 12 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 80,1 triệu đồng, năm 2022 đạt 90,2 triệu đồng.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh rất chú trọng công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017; đặc biệt là việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hướng cho sự phát triển, thu hút đầu tư; là địa phương thứ 10 trên cả nước và địa phương đầu tiên của khu vực phía nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
Tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá cao, bình quân từ đầu nhiệm kỳ tăng 2,46%/năm, 6 tháng năm 2023 tăng 3,71%. Công nghiệp - xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 năm 2021 nhưng phục hồi mạnh sẽ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 1,15%; năm 2022 tăng 9,32%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,38%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 8,19%/năm, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 11,6%.
Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện; năm 2022 chỉ số PCI đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn tỉnh có trên 16.000 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 2.200 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 253 nghìn tỷ đồng, thu hút FDI trên 1.200 doanh nghiệp với vốn đầu tư trên 10 tỷ USD, thuộc tốp 10 cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận một số dự án lớn như Pepsico, Aeon... 18 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt 86,7%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội ngày càng cao. Huy động vốn đầu tư xã hội được kết quả khả quan, giai đoạn 2021 - 2022 huy động 81,6 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 49,5% kế hoạch; đứng thứ 4/114 bộ, ngành, địa phương, cơ quan của cả nước.
Theo chinhphu.vn