Thị xã Thái Hòa: Lễ hội Làng Vạc – âm vang tiếng cồng chiêng lịch sử ngàn xưa vọng về trên vùng đất linh thiêng

28/02/2023 8:55 (GMT+7)
Hàng năm vào các ngày 7, 8, 9/2 âm lịch người dân trong vùng cùng với du khách thập phương lại tụ hội về mảnh đất Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa (nay là Phường Long Sơn, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) tham dự lễ hội Làng Vạc – Lễ hội tâm linh “uống nước nhớ nguồn”.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cuộc sống mưu sinh của người dân được tái hiện lại

Điện thờ Làng Vạc là chốn linh thiêng với người dân bản địa, bởi người dân ở đây thường đến cầu an, cầu phúc, cầu duyên… khi có việc gì hoặc ngày rằm, mồng một, ngày tết người thập phương qua đền thắp hương cầu nguyện, trút bỏ những gánh nặng trong tâm trí của cuộc sống tinh thần. Làng Vạc ngày càng được nhiều người biết đến bởi không chỉ vì linh thiêng, lòng người bình an mà Làng Vạc còn được người ta xem như một nơi trú ngụ của bầu tâm sự. Họ tin vào những tín ngưỡng văn hóa cổ xưa của người việt cổ - văn hoá Đông Sơn. Người Thái Hoà tự hào và biết ơn trời đất đã ban tặng nơi đây vùng đất thiêng liêng, thiên nhiên ưu đãi, sự kỳ vĩ về phong cảnh hài hòa như bản tính con người nơi đây.

Hình ảnh các đại biểu tham dự đêm lễ hội:

Nằm cách thành phố Vinh 90km về phía tây bắc, khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc phường Long Sơn thị xã Thái Hoà được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1972. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh của không chỉ nhân dân bản địa mà còn là điểm đến lý tưởng của rất nhiều du khách thập phương. Đến đây, du khách sẽ tìm thấy sự yên tĩnh, tâm an và được tìm hiểu về những giá trị lịch sử to lớn của nền văn hóa Đông Sơn.

Hiện vật được phát hiện ở Làng Vạc có niên đại 2000 đến 2500 năm tuổi

Với 347 ngôi mộ cổ, 1.228 hiện vật công cụ sản xuất, đồ trang sức, nhạc khí, tượng, đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, gốm, thuỷ tinh của người Việt Cổ cách đây 2000 – 2.500 năm chính là minh chứng được tìm thấy tại vùng đất địa linh nhân kiệt này. Năm 1999 Làng Vạc được bộ văn hóa và thông tin (Nay là Bộ văn hóa, thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó cho đến nay đây thực sự đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân. Vào những ngày đầu xuân, lượng người về với điện thờ Làng Vạc ngày một đông, dường như ai cũng muốn thắp nén tâm hương để cầu nguyện một năm bình an, may mắn và vãn cảnh.

Lễ hội Làng Vạc đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn và các vùng lân cận với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức cúng tế trang nghiêm, thành kính, phần hội là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hết sức sôi nổi. Mỗi người dân đến dâng hương và tham gia lễ hội đều mang những tâm niệm riêng trong công việc và cuộc sống.

Lễ hội truyền thống một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú. Có thể coi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian, với các hình thức văn học (truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia, ca dao hò vè…); nghệ thuật biểu diễn (diễn xướng, sân khấu, dân ca, dân vũ, dân nhạc…); tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng, đức tin…).

Lễ hội gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc. “Hội lễ là nơi bảo tồn, tích tụ văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử, trong quá khứ, dồn nén lại cho đương thời”(1). Hiện nay, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.

Chứa đựng và phản ánh nhiều mặt của cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội, lễ hội là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh và gắn bó với thiên nhiên, từ đó thêm thăng hoa trong một không khí vui vẻ, trang nghiêm, vừa trần tục, vừa linh thiêng. Rõ ràng, lễ hội là sinh hoạt cộng đồng để mỗi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật và trò diễn, vui chơi, giao cảm, hưởng thụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

 Tăng Giang

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.