Kinh tế vùng biên: Cần tháo điểm “nghẽn” để phát huy tiềm năng

01/06/2022 0:35 (GMT+7)
Việt Nam có tuyến biên giới trải dài với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

Nhiều điểm nghẽn hạn chế phát triển

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.000 km, tiếp giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia cùng 26 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, cùng nhiều cửa khẩu phụ, lối mở, đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư.

Mặc dù tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, còn rất nhiều tồn tại cần phải được quan tâm đầu tư cho các tỉnh khu vực biên giới như trình độ phát triển chênh lệch; kinh tế - xã hội vùng biên giới chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - trung tâm phát triển kinh tế quan trọng và kết nối quốc tế.

Hơn nữa, hạ tầng thương mại hiện đại thiếu trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm. Quy mô thương mại các tỉnh biên giới còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước.

Ngoài những khó khăn nội tại như quy hoạch thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển... điểm nghẽn lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải.

Đơn cử như Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) được đánh giá là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước. Thế nhưng, sau 14 năm thành lập, nhiều dự án trong khu kinh tế bị bỏ hoang, nhiều dự án chưa triển khai. Chẳng hạn như: Dự án trồng rừng nguyên liệu công nghệ cao, dự án xây dựng khu công nghiệp thương mại, dịch vụ sinh thái Đá Mồng… Những khu công nghiệp hiện này không những không giải quyết được việc làm, kích cầu kinh tế, mà nó còn gây lãng phí rất lớn về tiền bạc của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế biên giới. Nguyên nhân của các khó khăn hạn chế do công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung; khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Chưa có nhiều ưu đãi đột phá, nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp mà chưa hình thành vùng sản xuất tập trung cũng như chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu hay hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.

Ngoài việc hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn.

Chưa kể tới vấn đề buôn lậu vùng biên cũng tạo áp lực lên sự phát triển kinh tế và an ninh xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, lợi dụng giá xăng dầu tăng cao, các vụ buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng và diễn biến khá phức tạp, thủ đoạn tinh vi và chủ yếu xảy ra trên tuyến đường biển. Lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xăng dầu, nhất là dầu DO với số lượng lớn.

Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật (BTL Cảnh sát biển) cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm, tội phạm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển diễn biến phức tạp. Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện có tổ chức, đường dây chặt chẽ; tập trung tại các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam. Các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, than, pháo nổ, khoáng sản, hàng gia dụng…

Thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi, gian xảo. Trong đó, mặt hàng xăng dầu, phương thức tiến hành giao dịch nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua ám hiệu, tín hiệu, cách thức thanh toán do chủ hàng hai bên quyết định và diễn ra trên đất liền...

Dự báo, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển trong thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp khi giá trong nước tiếp tục tăng. Để ngăn chặn, các lực lượng chức năng tiếp tục nắm bắt tình hình, nhất là trên các vùng biển trọng điểm; phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ngư dân chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu và cam kết không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu.

Cần “đánh thức” tiềm năng

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên; nhiều địa phương đang trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và các nước chung biên giới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực biên giới và tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng.

Ngày 12-17/5/2022, trên khu vực biển Tây Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát 4 đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ khoảng 340.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ.

Về mặt chính sách, Nghị quyết số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được Chính phủ ban hành ngày 2/3/2022 đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới; Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới; Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới; Phát triển sản xuất khu vực biên giới; Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới.

Nghị quyết cũng đưa ra định hướng phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của các vùng, miền; Đa dạng và tăng cường huy động, thu hút, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững khu vực biên giới.

Để ổn định an ninh – kinh tế biên giới, mới đây ngày 10/5, Tổng cục Hải quan đã ra thông báo về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu và các mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 tới cục hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị; Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra – Kiểm tra.

Theo đó, Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh xăng dầu và nhập khẩu mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên tất cả các tuyến, đặc biệt các cửa khẩu đường bộ, đường biển và vùng biển.

Tăng cường công tác thu thập thông tin, cập nhật tình hình biến động giá xăng dầu, vật tư y tế nhằm hỗ trợ công tác thông quan hàng hóa kịp thời, đúng quy định, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.

Trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu, mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như: Biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm khi thấy dấu hiệu buôn lậu xăng dầu, mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra - Kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 có nguy cơ cao, dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiệm vụ chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu cho Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo tại công văn số 36/BTC- BCĐ389 ngày 5/5/2022 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu và Công văn số 32/BTC-BCĐ389 ngày 22/4/2022 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Tất cả những hành động trên đều chung mục tiêu phát triển kinh tế vùng biên gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường tiềm lực và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Chính Thuần

Có thể bạn quan tâm: Kinh tế vùng biên
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.