Kiên quyết đấu tránh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội - Kỳ 1

09/11/2022 15:35 (GMT+7)
Mục đích bài nghiên cứu nhằm nêu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận diện chính xác âm mưu chống phá Đảng, chế độ xã hội của ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” tàn độc, tinh vi của các thế lực thù địch. Khuyến nghị phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn cách mạng đầy thử thách, nhiều biến động chính trị phức tạp hiện nay.

Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930 tại Hương Cảng (Hồng Kông), Trung Quốc dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 03 tháng 02 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí minh vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm.

Ảnh minh họa

1. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nền tảng tư tưởng là hệ thống những quan điểm, luận điểm mang tính nhất quán, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của một cá nhân, giai cấp, chính đảng, dân tộc; được hình thành trên một cơ sở lý luận, thực tiễn nhất định, có tác dụng chỉ đạo chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống lý luận, quan điểm, nguyên tắc và thực tiễn về xây dựng Đảng; về tổ chức và hoạt động của Đảng; về định hướng phát triển của Đảng; về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng, văn kiện các kỳ Đại hội và Điều lệ Đảng đều khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết lý luận sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới quan, phương pháp luận là chủ nghĩa Mác – Lênin mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với nền tảng tư tưởng của Đảng và sự phát triển của tiến trình cách mạng Việt Nam.

Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng bổ sung luận điểm mới: Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, là một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); trong đó, khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng: cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với thời gian, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị to lớn, toàn diện cống hiến vô giá về lý luận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được khẳng định tại Đại hội IX: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” . 

Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” .

Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là những học thuyết, những tư tưởng được hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại; liên tục được bổ sung, phát triển từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới, cùng những dự báo khoa học về tương lai.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn thể hiện rõ là một đảng cách mạng chân chính, hội tụ sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam.  Cùng với quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội của Nhân dân ta.

Từ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã đúc rút nhận thức tổng quát về chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng cơ bản, đó là: “Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới . Các đặc trưng ấy là nội dung của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, một thành tựu phát triển sáng tạo lý luận riêng có của Đảng ta.

2. Nhận diện chính xác chiến lược “Diễn biến hòa bình” đa dạng, tinh vi và tàn độc của kẻ thù nhằm chống phá Đảng, chế độ xã hội của ta

Nền tảng tư tưởng của Đảng luôn luôn là đối tượng và mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch phản động. Việc lãnh đạo, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được nhận thức từ rất sớm và trở thành công việc liên tục, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Từ sau Cương lĩnh năm 1991, căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn, Đảng ta tiếp tục đưa ra những chỉ đạo cụ thể về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại các Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3/1992), Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2/1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam: “Diễn biến hòa bình là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”. Mục tiêu của chiến lược “Diễn biến hòa bình” là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được mục đích đó, các thế lực thù địch đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, thay thế bằng hệ tư tưởng tư sản; âm mưu thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” trong các nước xã hội chủ nghĩa; gây mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự đồng thuận xã hội và khi có thời cơ thì lôi kéo, tiến hành bạo loạn chính trị; làm suy yếu, chệch hướng phát triển của nền kinh tế, tiến tới chi phối, lũng đoạn, khống chế kinh tế trong các nước xã hội chủ nghĩa; chuyển hoá văn hoá, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa theo “giá trị Mỹ”, phương Tây; thực hiện âm mưu “phi chính trị hoá” để “vô hiệu hoá” quân đội trong các nước xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay “Diễn biến hòa bình” có nhiều cách gọi khác nhau, đó là “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cạnh tranh hoà bình”, “vượt trên hòa bình”, “chính sách giải phóng”, “chiến thắng không cần chiến tranh”, “chiến tranh không có tiếng súng”, “phương pháp phi vũ trang”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… Có thể khẳng định “diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh về hệ tư tưởng. Chiến lược “Diễn biến hòa bình” liên tục được điều chỉnh, bổ sung trở thành một chiến lược tổng hợp, dùng biện pháp “phi vũ trang” là chủ yếu nhằm chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)

Nguyễn Hữu Tám - Chuyên viên cao cấp Bộ Nội vụ, ThS. Khoa QLNN

 


Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
Tin đã đăng
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 268A đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Phó Tổng biên tập: Ông Tạ Trung Thành
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.