Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia 2022

09/11/2022 10:30 (GMT+7)
Theo thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 08/11/2022, tại Phnôm Pênh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia và Bộ Thương mại Cam-pu-chia tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam Cam-pu-chia năm 2022.

Đây là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm và là hoạt động ý nghĩa trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia 2022” nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại - một trong những trụ cột chính, ưu tiên trong hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 55 năm (1967-2022), hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác đầu tư là một trong những lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Có thể nói, Cam-pu-chia là một trong các địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất của Việt Nam. Kể từ khi có dự án đầu tiên sang Cam-pu-chia vào năm 1999, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Cam-pu-chia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Cam-pu-chia tổ chức diễn đàn. Ảnh: chinhphu.vn

Để thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia ngày càng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số nội dung.

Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực hợp tác đầu tư hiệu quả như: nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, lâm sản sạch, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước và xuất khẩu, mở rộng ra một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như: du lịch, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước của hai bên cần tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên nguồn lực triển khai “Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030” và khẩn trương hoàn thành Đề án “Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế”, sớm trình cấp có thẩm quyền hai nước phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ ba, hai bên cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong việc ban hành và thực thi pháp luật. Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Thứ tư, Việt Nam và Cam-pu-chia cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Theo đó, hai nước cùng nhau hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO… kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, với ưu đãi cao, hàng hóa Việt Nam và Cam-pu-chia dễ dàng tiếp cận thị trường nêu trên; đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng từ các đối tác phát triển.

Thứ năm, tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp, theo đó, các Hiệp hội doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả; làm cầu nối thường xuyên với các cơ quan liên quan của hai nước để ủng hộ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị doanh nghiệp hai nước tập trung trao đổi về khả năng hợp tác đầu tư một số dự án mới, quy mô lớn, có tính đột phá, lan tỏa; những bài học kinh nghiệm; và kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai nước. Các cơ quan chức năng hai nước cần tiếp tục lắng nghe, ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ và cùng tìm giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả.

Thông tin tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia sẽ tham dự và chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Trên cơ sở chỉ đạo của hai Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan của hai bên tiếp thu và phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn nữa./.

PV (t/h)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.