COVID-19 đã mở ra kỷ nguyên vàng của vaccine như thế nào

18/04/2023 16:35 (GMT+7)
Đại dịch đã thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ vaccine, mở ra khả năng phòng ngừa nhiều loại bệnh tật.

Đại dịch COVID-19 tồi tệ vì nhiều lý do. Nhưng nếu có một mặt tươi sáng trong 3 năm qua, thì đó là vaccine. Quá trình phát triển và thử nghiệm đã phát triển với tốc độ chưa từng có kể từ khi COVID-19 xuất hiện, mở ra các công nghệ vaccine mà lẽ ra phải mất một thập kỷ nữa mới hoàn thiện.

Những tiến bộ này đã tạo tiền đề cho những đột phá tiếp theo trong vòng 5 đến 10 năm tới, có thể giúp chống lại một số tai họa lớn nhất của nhân loại, từ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường đến ung thư.

“Chúng tôi đã dự đoán về sự xuất hiện của một kỷ nguyên vàng đối với vaccine trước đại dịch, nhưng giống như trong chiến tranh, công nghệ trong đại dịch có xu hướng phát triển nhanh hơn rất nhiều", Giáo sư Brendan Wren - nhà sinh học phân tử tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London, cho biết.

Nổi bật nhất là công nghệ vaccine dựa trên mRNA, nền tảng của vaccine COVID-19 do Pfizer - BioNTech và Moderna phát triển.

Không giống như vaccine truyền thống được sản xuất trong các hệ thống sinh học như men hoặc trứng gà, vaccine mRNA được tổng hợp hóa học, tương tự như hầu hết các loại thuốc. “Đó là một bước tiến lớn, với một quy trình tổng hợp, chúng ta có thể mở rộng quy mô", Giáo sư Sir Andrew Pollard - Giám đốc Nhóm vaccine Oxford tại Đại học Oxford, cho biết.

Thực ra các công ty đã nghiên cứu vaccine mRNA trong khoảng 20 năm, chủ yếu là để đối phó với ung thư. Tuy nhiên, đại dịch đã cung cấp kinh phí và động lực chính trị để đưa công nghệ này ra thị trường và chứng minh giá trị của nó đối với hàng trăm triệu người.

Kể từ đó, số thử nghiệm khoa học về vaccine mRNA cho các bệnh khác cũng bùng nổ. Tháng trước, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu đối với 3 loại vaccine mRNA chống HIV. BioNTech đã tiến hành thử nghiệm vaccine mRNA cho bệnh sốt rét, bệnh zona và cúm. Moderna cũng đang thử nghiệm vaccine mRNA chống cúm, RSV, virus Zika, virus cytomegalovirus (nguyên nhân hàng đầu gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em) và virus Nipah, một mối nguy đại dịch tiềm tàng.

Tuy nhiên, một trong những ứng dụng ngay sớm nhất có thể là ung thư. Vào tháng 12 năm ngoái, Moderna đã công bố kết quả sơ bộ từ cuộc thử nghiệm vaccine mRNA chống lại ung thư, thực hiện trên 157 người bị một loại ung thư da ác tính. Khi vaccine được dùng cùng với thuốc trị liệu miễn dịch Keytruda hiện có, nó làm giảm 44% nguy cơ tử vong hoặc ung thư tái phát, so với khi chỉ dùng Keytruda.

BioNTech cũng có kế hoạch tiến hành thử nghiệm một trong những ứng cử viên vaccine chống ung thư ở Anh vào cuối năm nay. Những loại vaccine này được dự đoán sẽ ra thị trường vào năm 2030.

Trong khi vaccine mRNA chống lại COVID cung cấp cho các tế bào hướng dẫn di truyền để tạo ra protein gai của SARS-CoV-2, thì vaccine MRA chống ung thư cung cấp hướng dẫn để tạo ra các đoạn protein (peptide) được tìm thấy trên bề mặt tế bào ung thư của từng bệnh nhân.

“Việc phát triển vaccine dựa trên mRNA cho bệnh ung thư khó hơn nhiều so với vaccine cho bệnh truyền nhiễm. Với COVID-19, mọi người đều có thể được tiêm cùng một loại vaccine, nhưng với bệnh ung thư, mỗi mũi vaccine đều khác nhau và phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân", Tiến sĩ Anna Osborne - nhà phân tích tại công ty dược phẩm Citeline cho biết.

Một lợi ích khác của vaccine mRNA là tốc độ sản xuất nhanh, khiến chúng trở nên đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh các đại dịch trong tương lai. Wren cho biết: “Chúng ta có thể tạo ra các ứng cử viên vaccine nhanh đến mức không kịp thử nghiệm tất cả".

Một tính năng khác là khả năng điều chỉnh hệ thống miễn dịch chống lại nhiều mầm bệnh, bằng cách tiêm mRNA hướng dẫn tạo ra một số loại protein khác nhau cùng một lúc. “Tôi tin rằng trong thập kỷ này, chúng ta sẽ có thể phát triển một loại vaccine hô hấp đa thành phần có thể bảo vệ chống lại COVID-19, cúm và RSV, và thậm chí có thể là các loại virus đường hô hấp khác gây ra gánh nặng nhập viện và tử vong lớn trên toàn thế giới,” Tiến sĩ Paul Burton - giám đốc y tế của Moderna cho biết.

Khánh Nam

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.