Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế hàng đầu như (Mỹ, EU, Anh…); hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế đã tăng trưởng chậm lại (chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu tháng 3 giảm còn 92,2 điểm) khiến tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại phục hồi chậm.
Về sản xuất công nghiệp, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CNCBCT – PV) thường đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở 11 địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương là trọng điểm sản xuất của cả nước.
Về xuất nhập khẩu, xuất khẩu trong 4 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,27%). Trong đó giảm nhiều ở khai khoáng giảm 14,3%; nhóm CNCBCT giảm 13,9%; nhóm nông lâm sản giảm 6,8%. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm như: Mỹ giảm 21,6%, EU giảm 10,8%, Hàn Quốc giảm 69,6%, Trung Quốc giảm 13,1%...Mặc dù chịu ảnh hưởng diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế ước xuất siêu 7,55 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu là do các đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu. Bên cạnh việc giảm lượng thì so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Ngoài ra việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, là giải pháp trọng tâm.
Dự báo tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, phục hồi chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng hồi phục chậm; Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới; Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Ở trong nước, sức mua không cao; sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định; Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu tích cực cụ thể như một số khu vực kinh tế lớn trong đó có Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu... và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Quyết liệt đột phá vào các thị trường có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay). Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn và giải pháp về tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Tại cuộc họp báo, ngoài các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại, các vấn đề liên quan đến tình hình cung cấp điện nùa nắng nóng 2023, việc triển khai Quy hoạch điện VIII, các nút thắt ở Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn ... là chủ để nóng được các đơn vị báo chí quan tâm đặt câu hỏi cho ngành Công Thương.
Lam Giang