Bộ Công thương: Hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ.

20/01/2021 16:00 (GMT+7)
Theo Bộ Công thương cho biết hoạt động xuất nhập khẩu trong cả giai đoạn 2016-2020 đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đạt hiệu quả cao.

Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Xung đột thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ tháng 4 năm 2018 và diễn biến leo thang căng thẳng đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, trong đó Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và hiện vẫn chưa được kiểm soát, đã tác động nặng nề đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, song xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu trong cả giai đoạn 2016-2020 đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, về xuất khẩu; kết thúc năm 2020, cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Kết thúc năm 2020, cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Qua đó, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Đối với năm 2020, ngay từ những tháng đầu năm, khi dịch bệnh chủ yếu bùng phát ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 về khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu qua một số cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương xây dựng quy trình quản lý thông quan đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động điện đàm với Lãnh đạo các Bộ ngành địa phương Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, bổ sung nhân lực bốc dỡ… từ đó giúp hoạt động thương mại biên giới được triển khai thuận lợi hơn; chủ trì họp với các Bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan) và địa phương để trao đổi những vấn đề phát sinh trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tháo gỡ. Qua đó, từ chỗ hàng hóa xuất khẩu của ta bị ùn ứ với khối lượng lớn thì ngay sau đó đã cơ bản được thông suốt. Tiếp đó, khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là khu vực EU, Hoa Kỳ và cả thế giới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động có phương án vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, bảo đảm tốt nguồn cung cho sản xuất trong nước, khơi thông thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) ngay trong kỳ họp tháng 6 năm 2020 để đưa vào thực thi từ tháng 8 năm 2020. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, với Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực.

Đối với hoạt động nhập khẩu, việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây chúng ta đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu.

Cụ thể, về quy mô kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng từ 174,8 tỷ USD năm 2016 lên 253,4 tỷ USD năm 2019 và đạt khoảng 262,4 tỷ USD vào năm 2020 tăng 3,6% so với năm 2019. Tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 9,6%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra.

Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong nước. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 6,27%.

Chính vì vậy, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,6 lần từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517,7 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vẫn đạt khoảng 543,9 tỷ USD

Hồng Như

Có thể bạn quan tâm: Bộ Công Thương xuất nhập khẩu
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.