10 sự kiện nổi bật của ngành Công thương năm 2020

02/01/2021 8:05 (GMT+7)
Bộ Công thương vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành, với những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là dấu ấn lớn của năm 2020

Cụ thể, các hoạt động, sự kiện nổi bật tạo nên dấu ấn thành công trong năm 2020 của ngành Công thương là:

1. Bứt phá trong công tác hội nhập.

Trong năm qua, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.

2. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng dương; xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam.

Theo số liệu ước liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Trong năm 2020, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD

3. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.

Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Bộ Công thương đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…

4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn.

Sau 2 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại. Đặc biệt, QLTT đã có những bứt phá nghiệp vụ khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, thậm chí còn đặt chân đến những địa điểm trước đó chưa một lần đến kiểm tra.

Năm 2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng QLTT khi những tháng đầu năm 100% quân số tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc niêm yết giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...

5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc, đạt mức tăng trưởng dương.

Ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, dự kiến IIP cả năm tăng khoảng 4%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%).

Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020.

6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; Phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu.

Ngày 16/11, dòng khí đầu tiên từ mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đã 'cập bờ'. Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo cấp khí cho sản xuất điện.

Tháng 7/2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X đã được hoàn thành ở độ sâu 3.690 mMD với phát hiện dầu khí trữ lượng rất lớn tại mỏ khí Kèn Bầu (ước tính sơ bộ từ 7000 - 9000 tỉ feet khối khí tự nhiên, tương đương khoảng 200 - 250 tỷ m3, bao gồm cả khí trơ), góp phần hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2020.

7. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

Năm 2020, ghi nhận nỗ lực của ngành Công thương trong vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh để giữ vững và ổn định thị trường trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đã đạt mức tăng trưởng 2,62%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 6,785.

8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM), thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid), giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch.

Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng trong việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống, Bộ Công thương đã đã nhanh chóng và chủ động đổi mới hoạt động XTTM theo hướng triển khai các hình thức XTTM mới trên môi trường số để thay thế các hình thức XTTM truyền thống.

Bộ Công thương đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM trong nước, doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại, xuất khấu, tổng hợp dữ liệu về thông tin mặt hàng xuất khẩu cung cấp cho các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp cho hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp. Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.

9. Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng.

Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động chiến lược chủ chốt của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, giúp doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả, do vậy lĩnh vực thương mại điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại.

Các nền tảng phục vụ cho TMĐT như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho TMĐT của Việt Nam phát triển.

Long Giang

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.