Doanh nghiệp cần “cú huých” để thay đổi chiến lược thị trường

16/11/2020 10:25 (GMT+7)
Chiến lược thị trường gắn với sản phẩm cụ thể cho các DN trong thời gian tới phải có sự thay đổi khi bối cảnh kinh tế - xã hội cũng đã và đang có nhiều thay đổi. Để làm được điều này, các DN cần sự nỗ lực để tái cấu trúc mạnh mẽ, hoàn thiện chiến lược kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thương mại điện tử, chuyển đổi số... sẽ giúp thay đổi chiến lược của nhiều DN.Ảnh: H.Dịu

Chiến lược đa dạng hóa

Nhằm vượt khó trong đại dịch, đồng thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, chiến lược kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã có sự thay đổi, nhất là về mô hình các cửa hàng để phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng.

Với 2 mô hình cửa hàng mới, MWG đã chủ động triển khai các giải pháp tăng sức cạnh tranh như thử nghiệm mô hình Điện Máy Xanh supermini có diện tích từ 120-150m2 tại khu vực miền Tây, miền Đông và Nam Trung bộ. Đồng thời đẩy mạnh các ngành hàng mới như: đồng hồ, laptop… Nhờ đó, 9 tháng năm 2020, doanh thu của MWG đạt 81.352 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Với ngành ngân hàng, dịch Covid-19 khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng ngay từ trước đó, các ngân hàng đã cố gắng chuyển dịch cơ cấu để tránh lệ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng, chuyển sang thu từ dịch vụ.

Đơn cử như tại VietinBank, ngân hàng này đã xây dựng chiến lược tập trung phát triển các giải pháp tài chính toàn diện, thanh toán hiện đại, giúp nguồn thu từ phí dịch vụ thanh toán của VietinBank đã tăng trưởng đáng kể. Đồng thời, việc kiểm soát tốt chi phí dịch vụ cũng là một nguyên nhân giúp VietinBank cải tiện tốc độ tăng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2020, với mức tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh sản phẩm, dịch vụ giao ngay truyền thống, VietinBank định hướng đa dạng hoá danh mục sản phẩm, dịch vụ bằng việc đẩy mạnh cung cấp sản phẩm phái sinh… nhằm cung cấp tới khách hàng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng.

Thực tế, trên đây chỉ là một số ít ví dụ về sự thay đổi của các DN, bởi hàng ngày, hàng giờ, các DN luôn đưa ra được những chiến lược kinh doanh mới, để phù hợp với nhu cầu thị trường. Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất bánh kẹo đã chia sẻ, thói quen của khách hàng thay đổi nên DN cũng phải đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của thị trường, bao bì sản phẩm phải thân thiện với môi trường, phù hợp với vị trí trưng bày dù ở bất cứ không gian nào… Hay Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics) cũng đã đầu tư vào lĩnh vực sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio…

Điểm đáng mừng là những thay đổi chiến lược ngành hàng trong nền kinh tế nước ta đã có sự thay đổi rõ nét. Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 của Chính phủ tại Quốc hội mới đây cho thấy, cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng.

Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được phát triển; nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... phát triển nhanh.

Nguy cơ tụt lại phía sau
Bối cảnh hiện nay bắt buộc các DN phải thay đổi và dịch Covid-19 chính là “cú huých” cần thiết cho công cuộc này.

Nói về xu hướng thị trường trong bối cảnh mới, theo bà Nguyễn Thị Bích Chung, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, niềm tin phục hồi kinh tế của các DN tại Việt Nam là khá tích cực.

Tuy nhiên, tư duy và lối sống của người dân đã có sự thay đổi lớn như: có ý thức phòng bị hơn cho tương lai với 18% có kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó là xu hướng sống online với 36% số người được khảo sát đã đăng ký thêm kênh video, kênh TV cho các mục đích khác nhau...

Đặc biệt, người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và ít ảnh hưởng đến môi trường, nhưng họ cũng căn ke hơn trong chi tiêu và chỉ hướng tới những nhu cầu cấp thiết. Do đó, theo bà Chung, các DN thời gian tới cần cân nhắc các giải pháp sản phẩm – dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường, giúp khách hàng thấy đáng giá đồng tiền bỏ ra khi chi tiêu hạn chế…
Các chuyên gia và DN đều nhấn mạnh đến sự giúp sức của chuyển đổi số với sự phát triển của DN. Theo đó, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ, là hướng đi tốt của nhiều DN. Tuy chuyển đổi số không đơn giản, nhưng nếu các DN không chuyển đổi thì lại gặp nguy cơ tụt lại phía sau. Do đó, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn của các DN.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi thành công, DN cần phải thay đổi tư duy và tầm nhìn, tìm ra chiến lược đúng đắn. Đơn cử với lĩnh vực thương mại điện tử, ông Hoàng Quốc Quyền, đại diện Công ty Tiki miền Bắc chia sẻ, thương mại điện tử hiện vẫn chỉ khai thác chủ yếu ở các thành phố và đô thị lớn, chỉ chiếm khoảng 20% dân số nhưng lại chiếm gần 90% doanh thu của các DN. Do đó, các DN thương mại điện tử đang chú trọng khai thác thị trường nông thôn đầy tiềm năng, không những giúp những người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận được nhiều hơn với những sản phẩm thương hiệu Việt giá rẻ mà còn giúp DN xây dựng thương hiệu ngày càng vững chắc, lại không chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Có thể thấy, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay, từng ngành hàng, từng DN phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Đây là lúc các DN cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài sản phẩm, thị trường trọng điểm.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Cố vấn chuyên môn của Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu

Bối cảnh thị trường mới đưa ra 4 xu hướng chính mà các DN cần quan tâm. Thứ nhất là các DN Việt Nam nên quan tâm đến chuyển đổi số, tốc độ cần phải tăng nhanh hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa để nắm bắt nhu cầu khách hàng. Thứ hai là xu hướng trải nghiệm của khách hàng, để hiểu thị hiếu, thói quen, tập quán người dùng, giúp điều chỉnh chiến lược kinh doanh – sản xuất. Thứ ba là DN nên áp dụng triệt để, tối đa hóa công nghệ vào quá trình xây dựng thương hiệu. Cuối cùng là xu hướng làm sao để các DN có thể có đủ cơ sở dữ liệu để phục vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tương lai.

DN muốn phát triển tốt cần có tầm nhìn đủ dài, đủ rộng. Vì thế, các DN phải thay đổi tư duy tiếp cận trong bối cảnh mới, tư duy về thương hiệu. Hãy coi thương hiệu là vũ khí chứ không phải là công cụ để có thể cạnh tranh sòng phẳng với DN và thương hiệu khác. DN cũng cần đổi mới tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Trước kia, nhiều DN chưa quan tâm đến kinh doanh trên mạng, thì bây giờ, trong bối cảnh mới và cả đại dịch Covid-19, sự quan tâm đến mạng Internet, thương mại điện tử… cần sự thay đổi thích đáng hơn. Ngoài ra, DN cần thay đổi tư duy từ bên trong DN, của lãnh đạo và cả nhân viên để phát huy sự sáng tạo, nội lực của các DN. Cùng với đó, Nhà nước cần thực hiện đúng vai trò “Chính phủ kiến tạo”, chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tàu cho phát triển.

Theo Hải Quan Online

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.