Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: Góp phần bảo đảm, duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan

09/11/2020 13:55 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực hải quan (Nghị định số 128). Nghị định số 128 có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 45/2016/NĐ-CP, bên cạnh một số kết quả đạt được như góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; góp phần cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan…Nghị định số 45/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Cụ thể như một số văn bản quy định về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan có sự thay đổi  tại các văn bản như: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ).

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi những nội dung liên quan đến xử lý vi phạm xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Nghị định quy định xử phạt VPHC về hải quan (tại điểm a mục 2 Phần II Nghị quyết).

Trong quá trình thực hiện Nghị định cũng nảy sinh một số hạn chế nhất định như: thiếu chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm phát sinh; một số hành vi vi phạm không còn phù hợp…

Do vậy, Nghị định quy định xử phạt VPHC về hải quan cần được điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một số điểm mới về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan

Về cơ bản, các nội dung của Nghị định số 128 được kế thừa từ quy định tại Nghị định quy định xử phạt VPHC về hải quan. Tuy nhiên, Nghị định số 128 đã sửa đổi, bổ sung và có một số điểm mới nổi bật so với các Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP trước đó, cụ thể sau đây:

Bổ sung mới một số hành vi VPHC trong lĩnh vực hải quan

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 03 hành vi gồm: (i) Nộp hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% đối với linh kiện nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô hoặc Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ không đúng thời hạn quy định; (ii) Thông báo hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công lại không đúng thời hạn quy định; (iii) “Thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất không đúng thời hạn quy định.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về khai hải quan, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 03 hành vi gồm: (i) Khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng (số lượng tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp ; (ii) Không khai trên tờ khai hải quan mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán theo quy định của pháp luật hải quan mà không ảnh hưởng đến trị giá hải quan; (iii) Khai sai thông tin về chuyến bay đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 03 hành vi gồm: (i) “Lập báo cáo quyết toán về lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất không đúng với thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công, sản phẩm xuất khẩu” ; (ii) “Khai báo hàng hóa nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không có cơ sở sản xuất hàng gia công, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoặc không có máy móc, thiết bị thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu”; (iii) “Không khai bổ sung về trị giá hải quan theo quy định mà bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với trường hợp hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan”.

+  Đối với nhóm hành vi trốn thuế, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 01 hành vi gồm: “Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 04 hành vi gồm: (i) “Lập báo cáo quyết toán không đúng so với sổ, chứng từ kế toán, tờ khai hải quan mà không thuộc trường hợp khai thiếu thuế (ii) “Bán hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp tại cửa hàng miễn thuế mà không dán tem “Vietnam duty not paid” theo quy định”; (iii) “Bán tại cửa hàng miễn thuế loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa chưa được phép phổ biến, lưu hành tại Việt Nam theo quy định” ; (iv) “Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng với khai hải quan về tên hàng, số lượng mà không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định về khai bổ sung của pháp luật hải quan”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 04 hành vi gồm: (i) “Thực hiện tiêu hủy phế liệu, phế phẩm từ hoạt động gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chế xuất mà không thông báo với cơ quan hải quan; (ii) “Thực hiện vận chuyển hàng hóa từ kho chứa hàng miễn thuế đến cửa hàng miễn thuế, tàu bay và ngược lại mà không thông báo hoặc không được sự đồng ý của cơ quan hải quan (iii) “Lưu giữ hàng hóa được đưa về bảo quản tại địa điểm không đáp ứng đủ điều kiện quy định của pháp luật”; (iv) “Không bảo đảm nguyên trạng niêm phong hải quan, không bảo đảm nguyên trạng niêm phong của hãng vận chuyển đối với trường hợp không phải niêm phong hải quan theo quy định trong quá trình vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, sử dụng niêm phong hải quan giả mạo hoặc niêm phong của hãng vận chuyển giả mạo mà hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đã bị tiêu thụ”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hải quan, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 01 hành vi “Vận chuyển phế liệu vào Việt Nam cho người nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 12 hành vi vi phạm, gồm: (i) “Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép ma túy, vũ khí, pháo các loại mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”; (ii) “Xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển ngà voi, sừng tê giác cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu” (iii) “Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam”; (iv) “Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam”; (v)“Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch nhưng không có hạn ngạch” và “xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật”; (vi) “Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu”; (vii)“Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện mà không đủ điều kiện để kinh doanh tạm nhập, tái xuất”; (viii) “Chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định; (ix) “Chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh chuyển khẩu, tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu”; (x)“Nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc mà không đọc được hết các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa nhưng cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được”; (xi) “Nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam)”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ, cửa hàng miễn thuế, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 01 hành vi vi phạm  “Không đưa hàng hóa, nguyên liệu, vật tư ra khỏi kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ, cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế khi quá thời hạn lưu giữ theo quy định”.

+ Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung 02 hành vi vi phạm gồm: (i) “Không thực hiện việc cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan”; (ii) hành vi “Cho phép đưa hàng hóa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi khi chưa nhận được thông tin hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hoặc đã nhận được thông tin tạm dừng đưa hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan”.

Việc bổ sung mới một số hành vi VPHC trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo các quy định phù hợp tại các Luật Hải quan 2014, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC…

Bổ sung mới 05 biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung mới 05 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: (i) “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập đối với tang vật VPHC”; (ii) “Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ; (iii) “Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế thiếu”; (iv) “Buộc nộp đủ số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng”; (v) “Buộc dán tem “duty not paid”.

Bổ sung mới quy định về đối tượng áp dụng tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP

Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định số 128/2020/NĐ-CP bao gồm: Tổ chức, cá nhân trong nước; Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi VPHC trong lĩnh vực hải quan; người có thẩm quyền lập biên bản VPHC, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt VPHC, người có thẩm quyền xử phạt VPHC theo quy định tại Điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 Nghị định này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt VPHC quy định tại Nghị định này.

Việc bổ sung đối tượng áp dụng trên cơ sở quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ  (Điều 2).

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về không xử phạt VPHC:

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã thu hẹp phạm vi hàng hóa nhập khẩu được chấp nhận nhầm lẫn. Đồng thời, bổ sung quy định không xử phạt VPHC về thuế đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cho thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Bên cạnh đó, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã loại bỏ, không quy định một số trường hợp sau thuộc trường hợp không xử phạt VPHC như:

Trường hợp “Khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, thực nhập khẩu nhưng khai sai mã số, thuế suất, mức thuế lần đầu” bởi pháp luật về hải quan (Điều 18 Luật Hải quan) đã có quy định người khai hải quan được quyền xem hàng hóa trước khi khai hải quan, được yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số hàng hóa.

Hay trường hợp “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 13 Nghị định này nhưng số tiền thuế chênh lệch không quá 500.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do cá nhân thực hiện hoặc 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện”; trường hợp “Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đúng với khai hải quan về số lượng, trọng lượng quy định tại Điều 7 Nghị định này mà hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với khai hải quan có trị giá không quá 10% trị giá hàng hóa thực xuất khẩu, thực nhập khẩu, nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng” do các trường hợp này không thuộc trường hợp không xử phạt quy định tại Điều 11 Luật Xử lý VPHC.

Không quy định “vi phạm lần đầu” là tình tiết giảm nhẹ

 “Vi phạm lần đầu” là tình huống xảy ra trong tất cả các lĩnh vực, nhưng tất cả Nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực không quy định đây là tình tiết giảm nhẹ.

Mặt khác, có tình tiết này thì mức phạt đối với các hành vi vi phạm lúc nào cũng trên hoặc dưới mức trung bình của khung tiền phạt mà không áp dụng được mức trung bình của khung tiền phạt như quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý VPHC quy định.

Do vậy, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã loại bỏ, không quy định “vi phạm lần đầu” là tình tiết giảm nhẹ.

Điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đã điều chỉnh mức phạt đối với một số hành vi vi phạm. Đơn cử như: Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, điều chỉnh tăng đối với một số hành vi phạm:

(i) hành vi “không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan” được điều chỉnh tăng (mức phạt từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng) cho thống nhất với mức phạt đối với hành vi này tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ;

(ii) hành vi “Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật” được tách thành hai hành vi: “Cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật” và “Không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật” với mức phạt của hành vi “không cung cấp…” cao hơn hành vi “cung cấp không đúng thời hạn…” cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm…

Ngoài ra, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi VPHC trong lĩnh vực hải quan, như:  nhóm hành vi vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế (6 hành vi); nhóm hành vi trốn thuế ( 5 hành vi); Nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra (4 hành vi); Nhóm hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan (3 hành vi)…

Bên cạnh đó, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP cũng xóa bỏ một số hành vi vi phạm  không phù hợp. Đơn cử như: “Các hành vi cố ý không khai hoặc khai sai khác về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trốn thuế, gian lận thuế” do hành vi này không được mô tả rõ ràng, cụ thể theo nguyên tắc xây dựng hành vi của pháp luật về xử lý VPHC.

Lợi ích của việc ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP được ban hành với mục đích nhằm bảo đảm hơn nữa việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế; góp phần bảo đảm, duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; khuyến khích người khai hải quan, người nộp thuế chủ động tự giác chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan.

Nghị định được xây dựng trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan; đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tuân thủ theo cam kết.

Đồng thời, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP cũng kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP, Nghị định số 45/2016/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước về hải quan; khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các Nghị định này.

Việc sửa đổi, bổ sung hành vi VPHC trong Nghị định số 128/2020/NĐ-CP được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý VPHC và phù hợp với cơ chế quản lý. Không bổ sung hành vi vi phạm khi không rõ biện pháp quản lý hoặc có biện pháp quản lý nhưng không rõ hậu quả của việc không tuân thủ.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP gồm 3 Chương, 37 Điều, trong đó:

- Chương I: Quy định chungĐiều (từ Điều 1 đến Điều 6).

- Chương II: Hành vi VPHC, hình thức xử phạt, biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền,  thủ tục xử phạt vi phạm hành chính27 Điều (từ Điều 7 đến Điều 34).

- Chương III:Điều khoản thi hành: 03 Điều (từ Điều 35 đến Điều 37).

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Theo Cổng thông tin Hải Quan Việt Nam

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.