Kỳ 1: Hoạt động thương mại qua biên giới - thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Những năm qua, kinh tế biên mậu, hoạt động thương mại qua biên giới dưới các hình thức xuất - nhập khẩu hàng hoá qua biên giới; buôn bán tại các chợ (chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, đã phần nào thúc đẩy sản xuất; nâng cao đời sống người dân,…góp phần phát kinh tế xã hội địa phương.
Vực dậy sau ảnh hưởng Covid-19
Sau 3 năm bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác thương mại biên giới Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng với nước bạn Campuchia đã sôi động trở lại với việc khôi phục hoạt động thông quan tại các cặp cửa khẩu. Cùng với đó là các cuộc gặp, làm việc chính thức giữa lãnh đạo hai nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Campuchia đã diễn ra với nhiều hình thức đa dạng góp phần thúc đẩy thương mại biên mậu giữa hai nước.
Sau đại dịch Covid -19, lưu lượng hàng hóa xuất nhập tại các cửa khẩu tăng rõ rệt.
Tại tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới Campuchia và các nước ASEAN. Hiện An Giang có 2 cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh có khoảng 13 chợ biên giới và các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận. Đây là lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại biên giới.
Chợ biên giới cũng là nơi, mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và người dân ngoài tỉnh.
Theo đó, An Giang cũng xác định kinh tế biên mậu là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Thiếu Tá – Nguyễn Văn Phát Anh, Chính trị viên Đồn CKQT Tịnh Biên, tại cửa CKQT Tịnh Biên, hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới nhộn nhip hẳn lên, bao gồm hoạt động: mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới; buôn bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó bao gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các phương thức, theo thông lệ buôn bán quốc tế đã được thoả thuận trong các Hiệp định thương mại song phương giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước bạn có chung biên giới. Hàng hoá buôn bán qua biên giới sẽ là tất cả các mặt hàng trừ những hàng hoá cấm xuất và nhập khẩu. Với hàng hoá kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo những quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
