Thặng dư đạt trên 600 triệu USD, thị trường Châu Á chiếm 65.8 % tỉ trọng XNK

20/02/2023 11:25 (GMT+7)
Trong tháng 1/2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 46,56 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 23,61 tỷ USD, giảm 18,7% (tương ứng giảm 5,42 tỷ USD), nhập khẩu đạt 22,95 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 4,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 thặng dư 656 triệu USD.

Trong tháng 1/2023 nước ta có lịch nghỉ tết dương lịch và tết cổ truyền khá dài, nên so với tháng 01/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 25%; trong đó xuất khẩu giảm 25,9%, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD và nhập khẩu giảm 24%, tương ứng giảm 7,27 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 33,5 tỷ USD, giảm 11,9% so với tháng trước và giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 17,97 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 15,53 tỷ USD, giảm 9,2% so với tháng trước và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 01/2023 có mức thặng dư trị giá 2,44 tỷ USD.

Trong tháng 1/2023, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 30,65 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng 01/2022, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,8%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 9,1 tỷ USD, giảm 33,1%; châu Âu: 5,31 tỷ USD, giảm 26,6%; châu Đại Dương: 1,05 tỷ USD, giảm 19,2% và châu Phi: 462 triệu USD, giảm 32,1% so với tháng 01/2022.

Xuất khẩu hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 01/2023 đạt 23,61 tỷ USD, giảm 18,7% so với tháng 12/2022, tương ứng giảm 5,42 tỷ USD và giảm 25,9% so với tháng 1/2022, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD.

Trị giá và tỷ trọng xuất khẩu của một số nhóm hàng chính trong tháng 01/2023 (Nguồn Tổng Cục Hải quan)

Trong tháng, chỉ có hai nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu tăng so với tháng trước với mức tăng 61,7%, tương ứng tăng 1,92 tỷ USD; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 7,4%. Ngược lại, xuất khẩu nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm mạnh nhất 33,7%, tương ứng giảm 1,62 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 826 triệu USD; hàng dệt may giảm 650 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 503 triệu USD; giầy dép giảm 484 triệu USD; thủy sản giảm 279 triệu USD;...

Cụ thể, Điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá 5,02 tỷ USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó các thị trường lớn như Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng mạnh 77,3%; Hoa Kỳ: 658 triệu USD, giảm 46,8%; Hàn Quốc: 288 triệu USD, giảm 13,1%... so với cùng kỳ năm 2022.

Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 3,17 tỷ USD, giảm 33,7% so với tháng trước và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 1,03 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 01 năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 499 triệu USD, giảm 31,8%; sang Hàn Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 1,5%; sang Hồng Kông đạt 317 triệu USD, giảm 25,3%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 2,9 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong tháng 01/2023 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,25 tỷ USD, giảm 27,2%; Hàn Quốc với 197 triệu USD, giảm 16,4%; Nhật Bản với 192 triệu USD, giảm 24,6%... so với tháng 01 năm 2022.

Hàng dệt may: Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,25 tỷ USD, giảm 22,4% so với tháng trước và giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2023, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 992 triệu USD, giảm 46,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường EU(27) đã tiêu thụ 297 triệu USD, giảm 22,8%; Nhật Bản tiêu thụ 249 triệu USD, giảm 16,5%...

Nhập khẩu hàng hóa

Nhập khẩu tháng 1/2023 là 22,95 tỷ USD, giảm 15,9% so với tháng 12/2022, tương ứng giảm 4,34 tỷ USD và giảm 24% so với tháng 1/2022, tương ứng giảm 7,27 tỷ USD.

Trị giá và tỷ trọng nhập khẩu của một số nhóm hàng chính trong tháng 01/2023 (Nguồn Tổng Cục Hải quan)

Trong đó, nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 776 triệu USD; xăng dầu tăng 89 triệu USD so với tháng trước. Ngược lại, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 798 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 618 triệu USD; sắt thép giảm 285 triệu USD; dược phẩm giảm 263 triệu USD...

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá nhập khẩu trong tháng 01/2023 là 6,56 tỷ USD, tăng 13,4% tương ứng tăng 776 triệu USD so với tháng trước. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng này giảm 11%, tương ứng giảm 810 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc với 2,11 tỷ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 105 triệu USD); từ Trung Quốc với 1,5 tỷ USD, giảm 36,7% (tương ứng giảm 872 triệu USD); từ Đài Loan với 853 triệu USD, giảm 21,8% (tương ứng giảm 238 triệu USD); từ Nhật Bản với 708 triệu USD, tăng 36,1% (tương ứng tăng 188 triệu USD)…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùngkhác: trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 2,74 tỷ USD, giảm 22,6% so với tháng trước và giảm 33,1% so với tháng 01/2022. Trong tháng 01/2023, nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc là: 1,41 tỷ USD, giảm 38,9%; từ Hàn Quốc: 395 triệu USD, giảm 24,9%; Nhật Bản: 264 triệu USD, giảm 19%... so với tháng 01/2022.

Xăng dầu các loại: Trong tháng 01/2023, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 1,03 triệu tấn, với trị giá là 911 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với tháng trước. So với tháng 1/2022, lượng nhập khẩu đã tăng 69,8% và trị giá tăng 99,7%. So với tháng 1/2022, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng mạnh ở hai thị trường chính là Hàn Quốc và Singapore. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 369 nghìn tấn, tăng 3 lần; từ Singapore là 243 nghìn tấn, tăng 2,5 lần. Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Malaixia là 220 nghìn tấn, tăng 28,5%; nhập khẩu từ Thái Lan là 83 nghìn tấn, giảm 18,4%.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy):  Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 1/2023 đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 903 triệu USD, giảm 36,6% so với tháng 1/2022.

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt 14.457 chiếc, giảm 34% so với tháng trước. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 13.129 chiếc, chiếm tới 91% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam. So với tháng 1/2022, lượng ô tô nguyên chiếc được đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 9.924 chiếc với trị giá tăng thêm 148,9% tương ứng tăng 188 triệu USD. Trong tháng 1/2023, ô tô nguyên chiếc các loại chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Inđônêxia và Hoa Kỳ. Cụ thể, nhập từ Thái Lan là 6.693 chiếc, tăng 157,9%; từ Inđônêxia là 6.179 chiếc, tăng 12,5 lần và từ Hoa Kỳ là 432 chiếc, tăng 33 lần so với tháng 1/2022.

Hà Điệp (Nguồn: Tổng Cục Hải Quan)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hoạt động Hiệp Hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.