Kính mắt Việt Tín: Có đội lốt hàng hiệu?

21/09/2018 (GMT+7)
Toà soạn nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến một số thương hiệu kính mắt thời trang nổi tiếng như Levis, Bvlgari, Valentino… bị làm nhái và đang được bày bán tại những cửa hàng có uy tín.

“Đều là hàng Trung Quốc"

Bạn đọc gọi tới đường dây nóng của báo, cho biết: “Tôi cần mua một chiếc kính mắt thời trang có thương hiệu và chất lượng nên đã đến một số cửa hàng kính mắt Việt Tín. Tuy nhiên, trên các sản phẩm kính mắt thời trang gắn mác một thương hiệu lớn, hình thức y hệt nhau, nhưng giá thành lại khác xa, khiến tôi băn khoăn về chất lượng sản phẩm…".

Trước thực trạng trên, bạn đọc mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ những phản ánh của bạn đọc, PV đã mục sở thị tại một số cơ sở thuộc hệ thống showroom của Công ty TNHH Công nghệ nhãn khoa kính mắt Việt Tín (Kính mắt Việt Tín), địa chỉ tại số 345, Cầu Giấy và Trung tâm Thương mại DISCOVERY, số 302 tầng 2 Cầu Giấy, Showroom kính mắt Việt Tín, số C4/142, Giảng Võ, Ba Đình (Hà Nội).

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua kính, PV được nhân viên cửa hàng tư vấn rất nhiệt tình về mẫu mã và các thương hiệu của nhiều hãng kính thời trang khác nhau như Levis, Bvlgari, Valentino…, nhưng với giá chỉ khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Còn tại những tủ hàng đi kèm những thương hiệu như Rayban, Gucci, D&G… có giá trên 1 triệu đến vài triệu đồng. Nhân viên tại cửa hàng cũng tư vấn về việc nếu khách hàng muốn mua những mặt hàng cùng thương hiệu mà giá thành rẻ hơn, thì có thể tham khảo các sản phẩm tại quầy.

Cũng theo nhân viên tại đây, những mẫu mã mang các thương hiệu nổi tiếng có sức bán tốt hơn những nhãn hiệu khác hoặc kính không in thương hiệu.

Khi được hỏi về nguồn gốc những sản phẩm tại quầy, nhân viên cho biết: Hàng này, đều là Trung Quốc, nếu anh muốn mua hàng chính hãng thì sang quầy bên cạnh.

SP của hãng Rayban bán tại Việt Tín, một có giá hơn 5.000.000 đ (dưới) một có giá hơn 1.000.000 đ (trên).

 

Được sự chỉ dẫn của nhân viên bán hàng, PV tiếp tục sang gian hàng bên cạnh được cho là hàng chính hãng. Theo quan sát, các sản phẩm kính mắt được bài trí trong những tủ hàng rất bắt mắt và sang trọng. Tại đây, PV tiếp tục được một người tên Huệ giới thiệu là quản lý cửa hàng ra tư vấn về giá thành, cũng như các sản phẩm có tại cửa hàng.

Khi được hỏi về các hóa đơn chứng từ liên quan đến các sản phẩm kính chính hãng, PV nhận được câu trả lời từ người được cho là quản lý của cửa hàng nói: “Các sản phẩm tại đây, nhập qua kênh phân phối độc quyền, công ty là đơn vị thứ 3. Các đơn vị phân phối không cung cấp giấy tờ CO và CQ liên quan đến sản phẩm".

Trước việc trả lời “cho qua" của người được cho là quản lý, PV tiếp tục hỏi: Nếu không có hóa đơn và giấy tờ liên quan của nhà sản xuất, bằng cách nào để phân biệt được hàng thật và hàng giả?

Người quản lý này lại tiếp tục “ngây ngô", nói: “Phía công ty bán hàng dựa trên việc tư vấn cho khách, các sản phẩm nhập qua kênh phân phối độc quyền. Em phải xác định như thế này, qua một đơn vị bán hàng giống như bên mình, có nghĩa em cũng không nhập qua hãng, quan trọng nhất là uy tín nhà cung cấp. Các sản phẩm ở đây bán dựa vào uy tín là chính".

Không dừng lại ở việc nhận định các sản phẩm kính mắt mang thương hiệu tại đây không có giấy tờ gì chứng minh là hàng của các thương hiệu nổi tiếng, mà vị này còn thản nhiên cho rằng, việc khách mua hàng mà hỏi về giấy tờ chứng nhận xuất xứ thì khách đó là khách… nhà quê (?!).

Cần bảo vệ người tiêu dùng

Với nhu cầu mua kính mang thương hiệu Rayban, PV đã tìm đến Showroom kính mắt Việt Tín số C4/142 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Nhân viên tại đây đưa ra 1 chiếc kính được cho là hàng có thương hiệu Rayban với giá 5.350.000 đồng. Nhưng khi hỏi về việc “có kính mắt cùng thương hiệu, y hệt như thế này và giá rẻ hơn không?", vị nhân viên này không ngần ngại giới thiệu về những sản phẩm kính y trang mang thương hiệu Rayban, nhưng giá chỉ từ vài trăm đến hơn một triệu đồng.

Trước việc giá cả có phần chênh lệch nhau khá lớn, PV liền hỏi: Liệu nhìn như thế này, người ta có biết được mình đang dùng hàng nhái không và để phân biệt được 2 chiếc kính này, có gì khác nhau phải làm sao?

Người nhân viên nói: “Thật ra, không phải giống hẳn, vì hàng chính hãng vẫn có sự khác biệt nhất định, nếu không phải người chuyên chơi sẽ không phân biệt được. Nhưng nếu như tinh mắt, anh cũng có thể nhận thấy hàng chính hãng mạ rất mượt và sáng, chữ khắc cũng sắc nét. Trong quá trình sử dụng, mắt kính cũng trong hơn. Bình thường, để người khác nhìn vào, cũng khó có thể phân biệt".

Qua khảo sát những cơ sở kính mắt thuộc hệ thống showroom của Công ty Kính mắt Việt Tín, PV không khỏi ngạc nhiên về những “chiêu trò" bán hàng của một công ty có thương hiệu, chuyên cung cấp những sản phẩm của các hãng nổi tiếng mà bên trong lại sẵn sàng bán những hàng nhái, hàng kém chất lượng, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật. Vậy chất lượng của sản phẩm sẽ ra sao? Các cơ quan chức năng ở đâu khi để những sản phẩm không rõ nguồn gốc đang trôi nổi tại đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động?

Để làm rõ vấn đề, PV đã liên hệ làm việc với Công ty Kính mắt Việt Tín. Tuy nhiên, khi PV đến đặt lịch làm việc, một người phụ nữ được cho là lãnh đạo công ty hỏi PV đến gặp để làm gì? Lúc này, PV nói: Bên cơ quan báo chí nhận được thông tin của bạn đọc liên quan đến những sản phẩm kính thời trang của Công ty Kính mắt Việt Tín có dấu hiệu “mập mờ". Vì vậy, báo chí muốn làm rõ để trả lời bạn đọc. Lập tức, PV nhận được câu trả lời từ phía vị này: “Bên chúng tôi, không có người phát ngôn báo chí và cũng không làm việc với báo chí" (?!).

Trước thái độ bất hợp tác từ phía Công ty Kính mắt Việt Tín, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ những sản phẩm gắn thương hiệu nổi tiếng đang được bày bán tại các cửa hàng thuộc hệ thống showroom của Công ty Kính mắt Việt Tín, có phải là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng hay không?

 

Theo Thương hiệu & Công luận

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng thật, hàng giả
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.